" HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG ."
Cố Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
Chúng ta thường nói tới con đường: con đường đưa tới giải thoát, con đường đưa tới hạnh phúc, con đường đưa tới hòa bình.
Khi có ý niệm về con đường thì chúng ta đồng thời có ý niệm là chúng ta vẫn còn đang trên con đường đó, nghĩa là chúng ta chưa tới.
Nếu chúng ta đang trên con đường đi tới hạnh phúc, thì chúng ta chưa có hạnh phúc.
Nếu chúng ta đang trên con đường đi tới hòa bình, thì chúng ta chưa có hòa bình.
Nếu chúng ta đang trên con đường đi tới giải thoát, thì chúng ta chưa có giải thoát, giải thoát là vấn đề tương lai.
Cái ý niệm về con đường có thể gây ra hiểu lầm, có thể gây ra tai hại, một khi chúng ta nói tới con đường như là quá trình phải đi tới.
Trong khi đó tại Làng Mai có câu:
“There is no way to happiness, happiness is the way”,
là không có con đường nào đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.
“There is no way to peace, peace is the way”, không có con đường nào đưa tới hòa bình cả, hòa bình chính là con đường.
Giải thoát cũng vậy. Không có con đường nào đi đến giải thoát, giải thoát chính là con đường.
Đó là pháp môn của Làng Mai.
Chúng ta tu học như thế nào để có được giải thoát, có được hạnh phúc, có được hòa bình ngay trong giây phút hiện tại, mà đừng nghĩ rằng giải thoát, hòa bình và hạnh phúc là cái gì chỉ có thể đạt tới trong tương lai.
Theo nguyên tắc đó, trong quá trình tu học, chúng ta phải tiếp xúc được với hạnh phúc, giải thoát và hòa bình ngay trong giây phút hiện tại, tại vì không có con đường đi tới hạnh phúc, không có con đường đi tới giải thoát, không có con đường đi tới hòa bình.
Hạnh phúc là con đường mình đang đi, đi mà có hạnh phúc.
Giải thoát là con đường mình đang đi, vừa đi vừa giải thoát.
Hòa bình là con đường mình đang đi, và mình phải có hòa bình trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.
Đó là sự thực tập của chúng ta.
Có như vậy chúng ta mới thật sự thực tập được cái gọi là Hiện Pháp Lạc Trú.
Hạnh phúc là cái gì có thật hay không?
Mỗi chúng ta ai cũng có kinh nghiệm những giây phút hạnh phúc, và cố nhiên là chúng ta cũng đã có những giây phút khổ đau.
Chúng ta thường hỏi:
"Hạnh phúc đó có phải là hạnh phúc chân thật hay không?
Khổ đau đó có phải là khổ đau chân thật không ?
Hay tự ta làm khổ ta ?"
Cho nên xét lại cái quan niệm về hạnh phúc và khổ đau là một sự thực tập.
Giáo lý Tam Pháp Ấn, theo đạo Bụt Bắc Truyền là Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn, là ba đặc tính của thực tại, nghĩa là thực tại là Vô Thường, thực tại là Vô Ngã, nhưng thực tại cũng là Niết Bàn.
Trong khi đó, ba đặc tính của thực tại trong Đạo Bụt Nam Truyền là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã.
Nếu thực tại là Khổ thì làm sao ta có hạnh phúc được.
Chúng ta nhìn vào cái bàn này, chúng ta nói cái bàn này là Vô Thường, cái đó hiểu được.
Chúng ta nói cái bàn này là Vô Ngã, không có cái ngã riêng biệt, nếu không có những yếu tố như là cây, rừng hay là thợ mộc… thì cái bàn này không thể nào có được, vì vậy nói cái bàn là vô ngã thì ta có thể hiểu được.
Nhưng nói cái bàn là khổ thì thật là khó hiểu.
Bàn ơi mi có khổ không ?
Sự thật là khi cái bàn là vô thường mà ta nghĩ là nó thường thì ta khổ, khi cái bàn là vô ngã mà ta nghĩ là nó có ngã thì ta khổ.
Cái khổ này không nằm trong cái bàn, mà nó nằm trong cái cách ta nhìn cái bàn.
Nhìn cái bàn và cho nó là thường, là ngã, thì ta khổ thôi.
Khổ không phải là bản chất của thực tại.
Khổ là kết quả của cái cách ta nhìn về thực tại.
Có một kinh trong hệ A Hàm (thuộc Đạo Bụt Bắc Truyền) đã sử dụng cụm danh từ Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn tới năm lần trong kinh này.
Trong khi đó, ở thế kỷ thứ hai, thầy Long Thọ đã nói tới Tam Pháp Ấn là Vô thường, Vô Ngã và Niết Bàn, mà không phải là Vô Thường, Vô Ngã và Khổ.
Chúng ta thấy rõ là có một sự sai lầm trong khi truyền thừa kinh điển.
Có những thế hệ Phật tử đã quá bị ám ảnh bởi cái danh từ Khổ, tại vì khi học Tứ Diệu Đế thì sự thật đầu tiên là Khổ đế, cho nên họ đã muốn nhìn tất cả bằng cái nhãn quang là Khổ.
Có nhiều người thực tập cho rằng nếu họ không tự nhắc "đời là khổ", thì họ không chứng đạo được, vì vậy cho nên họ cứ lặp lại ‘đời là khổ, đời là khổ’.
Và lâu dần, ‘đời là khổ’ trở thành ra một cái giáo điều.
May mắn cho chúng ta là giáo lý về Tam Pháp Ấn có ở trong một vài kinh được trao truyền lại trong Đạo Bụt Bắc Truyền, thì ba đặc tính của thực tại là Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn.
Chúng ta còn nhớ một bài kệ rất nổi tiếng, trong đó có nói Niết Bàn là hạnh phúc.
Bài kệ đó là:
Chư hành vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi Lạc
‘Chư hành vô thường’ dịch ra tiếng Anh là all formations are impermanent.
Formation là danh từ chuyên môn của đạo Bụt.
Chữ hành có nghĩa là hiện tượng, tiếng Phạn là samskara.
Cái bàn là một hành, do đó cái bàn là vô thường (chư hành vô thường); cái chuông là vô thường, ta là vô thường, cái nhà là vô thường, núi sông là vô thường, tất cả những cái đó là đều là hành cả.
Chư hành vô thường tức là tất cả mọi hiện tượng đều là vô thường.
Thị sinh diệt pháp, chúng nó đều là những pháp phải đi ngang qua Sinh và Diệt.
Sinh Diệt diệt dĩ. Sinh là birth, Diệt là death. Dĩ là xong rồi.
Một khi ý niệm sinh diệt đã được lấy ra rồi, đạt tới sự vắng lặng rồi, thì tịch diệt vi Lạc, tức là sự vắng lặng đó là hạnh phúc.
Chữ tịch diệt này nghĩa là Niết Bàn.
Nirvana có nghĩa là extinction, tức là không còn nữa, là vắng lặng, là sự tắt ngấm.
Sinh và Diệt là một cặp đối nghịch, có sinh thì có diệt, hễ còn sinh thì còn diệt, hễ vượt thoát sinh diệt thì gọi là Niết Bàn.
Niết Bàn là sự vắng mặt của những ý niệm về sinh và về diệt.
Cố Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.