Thiền Vipassana

Một Nghệ Thuật Sống: Thiền Minh Sát

Một Nghệ Thuật Sống: Thiền Minh Sát

MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG: THIỀN MINH SÁT - Đào Viên

ubakhinformal dressLời giới thiệu – Ông S. N. Goenka là một thiền sư dạy Thiền trong truyền thống của cố Thiền sư U Ba Khin bên Miến Điện. Mặc dầu ngài là một người Ấn Độ, thiền sư Goenka được sinh ra và lớn lên tại Miến Điện. Tại đây, ngài đã có cơ duyên được gặp và họcThiền Minh Sát với Thiền sư U Ba Khin. Sau khi học 14 năm với U Ba Khin, ngài về Ấn Độ và bắt đầu truyền bá Thiền Minh Sát bắt đầu từ năm 1969. Ở trong một nước bị nạn phân chia giai cấp, phân chia tôn giáo, những lớp học Thiền của ngài Goenka đã lôi kéo được rất nhiều người Ấn thuộc đủ thành phần trong xã hội. Ngoài ra, còn có thêm cả ngàn người khác từ nhiều nước trên thế giới cũng đến học Thiền Minh Sát với ngài.

Thiền sư Goenka đã dạy cả chục ngàn họcviên trên 400 lớp – mỗi lớp 10 ngày – tại Ấn Độ và nhiều nước khác, Đông phương cũng như Tây phương. Kể từ năm 1982, Thiều sư bắt đầu chỉ định những giáo thọ phụ tá để giúp ngài, vì nhu cầu mở thêm lớp học Thiền gia tăng tại Ấn độ cũng như tại các nước khác. Ngài đã mở ra trên 70 trung tâm Thiền học tại Ấn Độ, Népal, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Căm Bốt, Đài Loan, Mông Cổ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, cùng những lớp học Thiền được tổ chức đều đặn tại nhiều nước khác nữa.

Phương pháp học Thiền ngài dạy là phương pháp tu Thiền từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật chưa bao giờ giáo hóa một tôn giáo của riêng một môn phái nào. Ngài chỉ dạy Phật Pháp, là con đường đi tới giải thoát sanh tử, một điều phổ biến khắp nơi. Cũng trong truyền thống này, ngài Goenka dạy một phương pháp Thiền phi pháp môn. Vì thế cho nên, mọi người đến học với ngài thuộc đủ thành phần xã hội, tôn giáo hay, phi tôn giáo, khắp nơi trên thế giới.

Đoạn văn dưới đây là dựa trên một bài thuyết giảng của thiền sư Goenka nói tại Bern, Thụy Sĩ, năm 1980.

 ***

Thiền sư S.N. Goenka

goenkaBất cứ ai cũng đều tìm an bình và hài hòa, bởi vì đó là những thứ chúng ta không có trong đời. Đôi khi chúng ta cảm thấy bực bội, khó chịu, thiếu hài hòa. Và chúng ta bị khổ sở, nỗi khổ này chúng ta lại không giữ trong người; chúng ta lại reo rắc khổ sở đó cho người khác. Không khí không có gì là sung sướng xung quanh người khổ sẽ xâm nhập vào những ai tiếp súc với người khổ. Như vậy rõ ràng đây không phải là một lối sống hay ho gì.

Chúng ta phải sống thế nào cho được an bình cho mình và cho người khác. Dầu sao đi chăng nữa, con người là người trong xã hội, sống trong xã hội với nhau.Thế nhưng, làm sao có thể sống với nhau một cách bình an? Làm sao ta có thể giữ được nếp sống an bình và hài hòa quanh ta để người khác cũng có thể được sống an bình và hài hòa.

Để được hết buồn phiền, chúng ta phải biết lý do căn bản của sự đau khổ. Nhìn sâu vào vấn đề, ta sẽ thấy rõ ràng là khi đầu óc ta có những ý nghĩ tiêu cực hay bất tịnh, chúng ta sẽ không có hạnh phúc. Ý nghĩ tiêu cực, tinh thần cấu uế hay bất tịnh không thể đi đôi với bình an và hài hòa được.

Làm sao chúng ta lại có những ý nghĩ tiêu cực? Cũng thế, nhìn sâu vào vấn đề, ta lại sẽ thấy rõ. Chúng ta sẽ không vui sướng khi thấy có một người nào đó có những hành xử chúng ta không ưa. Chuyện bất ưng xẩy ra và trong người chúng ta bị căng thẳng. Chuyện vui thích không xẩy ra, có một cản trở xẩy đến và trong người chúng ta bị căng thẳng; chúng ta bắt đầu có những nút thắt trong người. Suốt cuộc đời, những chuyện bất ưng xẩy ra, những chuyện vui thích có thể hay không có thể xẩy đến và cái phản ứng thắt nút trong người – có thể gọi là nút Gordian(1) – sẽ làm cho toàn thân và tâm bị căng thẳng, đầy rẫy tiêu cực, do đó cuộc đời trở nên khốn khổ.

Bây giờ, có một cách giải quyết vấn đề là thu xếp làm sao cho không có những chuyên bất ưng xẩy ra trong đời ta và những chuyện vui thích xẩy ra đúng như là ta mong muốn. Muốn được như vậy, thì hoặc là chúng ta có quyền năng làm được như thế, hoặc là có người giúp chúng ta giải quyết vấn đề, phải có quyền năng làm được như thế. Chuyện đó không thể có được. Trên thế giới này, không một ai có thể toại nguyện mọi thứ mình muốn, mọi chuyện xẩy ra trong đời như mong muốn và không có chuyện bất ưng xẩy đến. Nhiều chuyện bất ưng luôn luôn xẩy đến cho ta.

Như vây, ta có một câu hỏi khác: Làm thế nào chúng ta không còn phản ứng bừa bãi khi gặp phải những điều bất ưng? Làm thế nào chúng ta có thể không còn có căng thẳng và có thể sống bình an, hài hòa?

Tại Ấn Độ, cũng như ở nhiều nước khác, nhiều nhà thiện tri thức trong quá khứ đã nghiên cứu vấn đề ấy – vấn đề nhân loại đau khổ – và đã tìm ra được một lời giải, đó là: khi điều bất ưng xẩy ra và bạn bắt đầu bực tức, sợ hãi hay tiêu cực, thì càng sớm càng tốt, bạn phải để ý đến một chuyện gì khác. Tỷ như, đứng giậy, lấy một ly nước mà uống, khi đó cơn bực tức không tăng lên, mà mặt khác có cơ giảm thiểu. Hay là bạn hãy đếm một, hai, ba, bốn. Hay là bạn hãy nhắc lại một tiếng, một câu hay một bài chú, có thể là tên của một vị thần, một thánh nhân bạn tôn sùng; khi đó đầu óc bạn được hướng sang một lối khác, khiến cho bạn không còn thấy tiêu cực, không còn bực tức nữa.

Một lớp học Thiền Minh Sát

thie1bb81n minh satGiải pháp này rất có lợi, rất hữu hiệu. Đến bây giờ vẫn còn hữu hiệu. Đầu óc ta không còn bị giao động. Tuy nhiên giải pháp này chỉ hữu hiệu ở tầng tri thức mà thôi. Thực ra là, khi bạn nhìn ra chỗ khác, bạn đã dồn ép ý nghĩ tiêu cực xuống sâu vào tầng tiềm thức của tâm hồn, ở đấy bạn vẫn để cho cấu uế tăng trưởng. Ngoài mặt thì có một lớp bình an và hài hòa, nhưng sâu trong tâm hồn, có một hỏa diệm sơn những tiêu cực còn ngủ mà chẳng sớm thì chày sẽ nổ tung lên dữ dội.

Nhiều nhà nghiên cứu gia khác còn đi sâu hơn nữa vào chân tâm bằng cách chứng nghiệm thực tế của Thân và Tâm, đã công nhận là nhìn ra chỗ khác chỉ là chạy chốn khỏi vấn đề. Chạy chốn không phải là giải pháp, mà ta phải trực diện với vấn đề. Khi bạn khởi sự quán chiếu vào ý nghĩ bất tịnh, thì ý nghĩ bất tịnh đó sễ không tăng trưởng mà từ từ phai nhạt đi.

Đây là một giải pháp tốt: tránh được hai cực đoan – dồn ép xuống và nổ bùng lên. Chôn vùi tiêu cực vào tiềm thức sẽ không làm cho nó chết đi. Để cho nó thể hiện toàn thể vào hành động hay lời nói thì chỉ gây thêm rắc rối. Thế nhưng nếu bạn quán chiếu chúng thì những cấu uế bất tịnh ấy sẽ đi mất và bạn sẽ không còn bất tịnh nữa.

Một lớp tu tập Thiền Minh Sát

vipassana meditationGiải pháp này nghe có vẻ hay lắm, nhưng không biết có thiết thực không? Không dễ dàng gì để đối diện với những bất tịnh của chính mình. Khi bực tức giận dữ nổi lên nhanh chóng chiếm ngự tâm hồn chúng ta mà chúng ta không thấy ngay. Thế rồi vì quá tức giận, chúng ta có những hành động, nói ra những lời lẽ có hại cho chính chúng ta và cho những người khác. Sau đó, khi hết giận, chúng ta khóc lóc, hối hận, xin người này người khác hay Thượng đế hãy tha rthứ: “Ôi thôi! Tôi đã lầm lỗi, Xin hãy tha thứ cho tôi”. Nhưng đến lần sau, chúng ta vẫn sẽ hành xử như vậy. Quanh đi quẩn lại như thế chẳng có lợi ích gì.

Cái khó là chúng ta không lưu tâm để ý đến, khi bắt đầu có tư tưởng tiêu cực. Tiêu cực khởi thủy từ tiềm thức, và khi nó lên tới lớp tri thức thì nó đã trở nên lớn mạnh, lấn át cả chúng ta khiến chúng ta không quán chiếu nó được.

Hãy giả thử là tôi mướn một người thư ký riêng để mỗi khi tức giận hiện lên, anh ta phải bảo tôi: “Này ông, tức giận đã đến!” Vì tôi không biết lúc nào cơn giận đến, tôi sẽ phải thuê 3 người thư ký riêng cho 3 ca cho suốt cả ngày. Thí dụ như điều ấy tôi có thể làm được đi. Ngay khi mgười thư ký bảo tôi: “Này ông, tức giận đến kia!” . Việc đầu tiên tôi làm sẽ là gạt anh ấy đi: “Anh điên à! Anh tưởng rằng tôi trả tiền anh để anh giậy bảo tôi hả?”. Lúc ấy tôi đã tức giận điên lên rồi, khiến cho ai có khuyên điều gì cũng vô ích mà thôi.

Bây giờ lại giả thử như lúc đó tôi còn biết phải trái, tôi không mắng anh ta. Tôi sẽ nói: “Cám ơn anh lắm. Bây giờ tôi ngồi xuống và quán chiếu cơn giận”. Tuy nhiên, có làm được như vậy không? Vừa khi tôi nhắm mắt lại để quán chiếu cơn giận thì lập tức đối tượng của cơn giận – một người hay một sự việc làm tôi tức giận - hiện ra trong óc tôi.

Thế là tôi đâu có quán chiếu cái tức giận đâu, mà tôi chỉ quán chiếu cái nguyên nhân đã khích động tôi. Điều đó chỉ làm tăng trưởng thêm cơn giận, như vậy, đây cũng không phải là một giải pháp cho vấn đề. Quán chiếu một ý nghĩ tiêu cực trừu tượng, một súc động trừu tượng rất khó. Rất khó mà tách rời ý tưởng, cảm thọ ra khỏi cái đối tượng bên ngoài đã gây ra ý nghĩ và cảm thọ của chúng ta.

Tuy nhiên, có người đã đạt tới sự thật tối hậu và tìm ra được giải pháp chân thật cho vấn đề. Người này đã tìm ra rằng khi một ý tưởng tiêu cực nổi lên, hai sự kiện trên thân ta sẽ đồng thời xẩy ra . Một là hơi thở mất đi sự nhịp nhàng tự nhiên. Chúng ta bắt đầu thở gấp hơn khi tiêu cực nổi lên. Điều này rất dễ thấy. Ở một tầng lớp vi tế hơn, một phản ứng sinh hóa trong người chúng ta sẽ gây cho chúng to một cảm thọ. Bất cứ một ý nghĩ tiêu cực nào cũng đều gây trong ta một cảm thọ.

Điều này đưa đến một giải pháp thiết thực cho vấn đề của chúng ta, Người bình thường không dễ gì có thể quán chiếu được những ý tưởng cấu uế bất tịnh như tức giận, sợ hãi hay ham thích. Nhưng néu được huấn luyện và thực tập, ai cũng có thể quán chiếu được hơi thở và cảm thọ, mà hai điều này có liên quan trực tiếp đến những cấu uế bất tịnh trong tâm ta.

Hơi thở và cảm thọ giúp ta trên hai phương diện. Thứ nhất, chúng giúp ta giống như những người thư ký riêng. Khi cấu uế bất tịnh mới hiện ra, hơi thở của ta trở nên bất bình thường mà la lên rằng: “Này này, Có cái gì bất thường đấy!” Chúng ta không thể mắng hơi thở được, chúng ta phải tiếp nhận lời cảnh báo. Cũng thế, cảm thọ sẽ bảo ta là có chuyện bất thường, Khi biết như vậy, chúng ta khởi sự quán chiếu hơi thở, quán chiếu cảm thọ, và nhũng gì là tiêu cực liền biến mất.

Cái hiện tượng Thân-Tâm ấy cũng giống như đồng tiền có hai mặt. Một mặt là những tư tưởng và súc động trong đầu trong Tâm, mặt kia là hơi thở và cảm thọ trong Thân. Mỗi tư tưởng hay súc động, mỗi bất tịnh nổi lên đều thể hiện lên qua hơi thở và qua cảm thọ lúc ấy. Do đó, khi ta quán chiếu hơi thở và cảm thọ thì trên thực tế, ta đã quán chiếu những cấu uế bất tịnh. Thay vì là chạy chốn khỏi vấn đề, chúng ta đã trực diện với thực tại như thật. Kết quả là, chúng ta đã khám phá ra là những cấu uế bất tịnh ấy đang giảm bớt cường độ; không còn có thể chiếm lấy chúng ta như trước đây. Nếu chúng ta cứ kiên trì như thế, những cấu uế bất tịnh đó biến đi hẳn và chúng ta bắt đầu có một cuộc sống bình an hạnh phúc, một cuộc đời không còn tiêu cực nữa.

Như vậy, phương pháp phản quan chỉ cho ta thấy thực tại dưới hai khía cạnh, hướng nội và hướng ngoại. Trước kia, chúng ta chỉ nhìn hướng ngoại, không thấy cái chân thực nội tại. Chúng ta bao giờ cũng nhìn ra ngoài để tìm lý do tại sao ta không có hạnh phúc; chúng ta bao giờ cũng đổ lỗi và tìm cách sửa đổi những thực thể bên ngoài. Vì không hiểu cái chân thực nội tại, chúng ta không bao giờ hiểu được rằng lý do đã gây ra sự đau khổ nằm ngay trong ta, trong cách chúng ta phản ứng bừa bãi trước những cảm thọ vui thích hay bất ưng.

Bây giờ, với một chút thực tập, chúng ta đã có thể nhìn thấy mặt kia của đồng tiền. Chúng ta có thề lưu ý đến hơi thở và những gì xẩy ra trong chúng ta. Hơi thở hay cảm thọ, chúng ta đã biết cách quán chiếu mà không mất sự quân bình trong nội tâm. Chúng ta không còn phản ứng và làm cho buồn bã tăng trưởng nữa. Chúng ta để cho cấu uế bất tịnh hiện ra và đi mất.

Con người càng thực tập phương pháp đó càng nhiều bao nhiêu thì những cấu uế bất tịnh biến đi càng nhanh bấy nhiêu. Lần lần tâm không còn cấu uế mà trở nên thanh tịnh. Một tâm thanh tịnh bao giờ cũng đầy ắp tình thương – không vì mình mà thương tất cả mọi người, từ bi thương sót nỗi đau khổ của kẻ khác, vui thích những thành đạt và hạnh phúc của kẻ khác, và đầy ắp lòng quảng đại trước mọi hoàn cảnh.

Người nào đạt tới trình độ ấy, tất cả lối sống của người ấy sẽ thay đổi hẳn. Người đó sẽ không thể nào làm gì hay nói gì để đưa đến rối loạn cho cuộc sống an bình và hài hòa của người khác được. Thay vào đó một tâm hồn quân bình không những trở nên bình an, mà không khí xung quanh cũng thấm nhuần được sự bình an và hài hòa ấy. Điều đó sẽ tác động vào người khác và giúp họ thêm nữa.

Ngồi Thiền trong khung cảnh thiên nhiên

k0165671Khi học được cách giữ cho tâm hồn quân bình trước mọi biến chuyển trong người, con người sẽ khai triển được lòng thoải mái thản nhiên trước mọi điều gặp phải ngoài đời nữa. Tuy nhiên thản nhiên không phải là bỏ chạy hay là vô cảm trước mọi vấn đề thế giới bên ngoài. Người nào thực hành đều đặn Thiền Minh Sát sẽ trở nên nhậy cảm hơn với những đau khổ của kẻ khác, mà sẽ cố gắng hết sức mình làm vợi đi nỗi đau khổ ấy – làm mà khong rối rít, mà với một tấm lòng đầy thương yêu, từ bi và quảng đại. Người ấy đã học được sự thanh thản cao cả – sả thân giúp người mà vẫn giữ đượcsự quân bình trong tâm hồn. Theo cách đó, người ấy sẽ luôn luôn thấy an lạc trong khi vẫn làm cho người khác được an lạc.

Đó là điều Đức Phật đã giậy chúng ta; MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG. Ngài không bao giờ lập nên hay bảo ai theo một tôn giáo nào. Ngài không bao giờ bảo những người đến với ngài phải theo những nghi lễ, những thủ tục rỗng tuyếch. Thay vào đó Ngài dạy họ hãy quán chiếu những điều tự nhiên như thật, qua cách phản quan tự kỷ. Vì vô minh chúng ta tiếp tục hành xử làm thương tổn chính mình và người khác. Nhưng khi tỉnh giác sáng suốt nổi lên – cái tỉnh giác sáng suốt quán chiếu thực tế chân thật – thì thói quen hành xử như thế không còn nữa. Khi chúng ta không còn phản ứng bửa bãi, thì chúng ta có thể hành xử đúng mức, với một đầu óc quân bình, thấy được và hiểu được sự thật. Cách hành xử như thế chỉ có thể là tích cực, sáng tạo, ích lợi cho chính mình và cho người.

Như vậy, điều cần thiết là “phải tự hiểu mình”, đây là lời khuyên của những nhà thiện tri thức. Chúng ta phải tự hiểu biết chính mình, không những về phương diện trí thức trên các lãnh vực tư tưởng và lý thuyết, mà còn cả về phương diện tình cảm và sùng tín, để mà chúng ta sẽ không chấp nhận một cách mù quáng những gì chúng ta nghe thấy hay đọc thấy. Những sự hiểu biết như thế chưa đủ. Thay vào đó, chúng ta phải chứng nghiệm cái thực tế. Chúng ta phải trực nghiệm được cái hiện tượng thực tế của Thân và Tâm. Chỉ riêng điều đó mới là điều giúp chúng ta thoát khỏi khổ đau.

Sự thực nghiệm trực tiếp vào cái thực tế nội tâm, cái phương pháp tự quán chiếu chính là Thiền Minh Sát, Vipassana Meditation. Thời Đức Phật tiếng Ấn Độ passana có nghĩa là nhìn thấy, quan sát, với đôi mắt mở to. Nhưng vipassana, hay là Minh Sát, có nghĩa là quan sát sự vật thấy một cách minh bạch, như thật, chứ không phải thấy như nhìn thấy bên ngoài. Sự thật bên ngoài phải được nhìn sâu xuống để thấy được sự thật tối hậu của tất cả hệ thống Thân-Tâm của ta. Khi chúng ta chiêm nghiệm được cái Sự thật tối hậu đó, là chúng ta đã học được cách hết phản ứng bừa bãi, hết tạo ra những tiêu cực. Chúng ta sẽ không còn đau khổ mà thấy được hạnh phúc chân thật.

***

Học Thiền Minh Sát(2) phải qua 3 giaiđoạn.

Thứ nhất, học viên phải ngưng tất cả những vong động, thân và khẩu sẽ làm xáo trộn sự an bình và hài hòa của những người khác Không ai có thể vừa tìm cách giải trừ những cấu uế trong tâm, trong khi lại có những hành động, lời nói chỉ làm cho những cấu uế trong tâm thêm tăng trưởng. Bởi vậy cho nên trong giai đoạn này học viên cần tuân thủ một số giới luật. Không được sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối và dùng rượu, cần sa ma túy. Chỉ tuân thủ 5 giới luật trên, học viên mới tĩnh tâm đủ để đi tiếp.

Giai đoạn tiếp nhằm mục đích khai triển cách chế ngự những ý nghĩ lăng xăng trong đầu bằng cách tập chỉ chú ý vào một đối tượng, đó là hơi thở. Học viện phải cố chú ý vào sự hít thở càng lâu càng tốt. Đây không phải là môn tập hít thở, không tập hòa hợp hơi thở. Thay vào đó, học viên tập quán chiếu sự hô hấp tự nhiên của mình như thật, hít vào thở ra. Theo cách đó, con người sẽ làm cho tâm được an bình, như vậy tâm ta sẽ không bao giờ bị những tư tưởng tiêu cực khống chế. Đồng thời, vì tập trung tư tưởng, đầu óc ta sẽ nhạy cảm hơn, sắc bén hơn, và ta sẽ có thể làm được nhiều việc cho nội tâm.

Hai giai đoạn đầu này, tuân thủ giới luật, điều ngự được tâm, rất cần thiết và rất ích lợi, nhưng sẽ đưa đến việc ta chỉ dồn ép nhưng tiêu cực, trừ phi ta tiếp sang giai đoạn thứ ba: thanh tịnh hoá những cấu uế trong tâm bằng cách chuyển hoá tâm thành cái tâm chân thật.

Đó là Thiền Minh sát; chứng nghiệm được cái tâm chân thật của mình bằng cách quán tưởng có hệ thống, không tham cầu, những hiện tượng luôn luôn thay đổi của thân và tâm, biểu hiệu bằng những cảm giác trong người. Đó là tất cả lời dạy của Đức Phật: tự tịnh hóa bằng phản quán tưởng tự kỷ.

Ai cũng có thể thực hành được đièu này. Ai ai cũng đều phải đối diện với đau khổ. Đó là căn bệnh phổ quát cần đến một phương thuốc phổ tquát, không của riêng bè phái nào. Khi một người bị sân hận giầy vò, cái sân hận đó không phải là một sân hận Phật giáo, hay Ấn giáo hay Cơ Đốc giáo. Sân hận là sân hận. Khi một ngươì bắt đầu hung hăng vì sân hận thì sự hung hăng đó không phải là sự hung hăng Cơ Đốc, Do Thái hay Hồi giáo. Căn bệnh đó phổ quát đến với tất cả mọi người. Phương thuốc cũng cần phổ quát đến tất cả mọi người.

Trung tâm học Thiền Minh Sát tại Texas

vipassana center texasThiền Minh Sát là phương thuốc ấy. Không ai sẽ phản đối một phương châm sống tôn trọng sự an lạc của người khác. Không ai sẽ phản đối cách điều ngự được tâm mình. Cũng không ai sẽ phản đối tự phản quán chiếu để tìm thấy cái tâm chân thật của mình, hầu có thể dứt bỏ mọi cấu uế bất tịnh trong tâm. Thiền Minh Sát là lối đi phố quát cho tất cả mọi người.

Quán chiếu thực tế như thật bằng cách quán chiếu sự thật trong tâm, chính là chúng ta đã trực tiếp chiêm nghiệm được chính mình. Thưc tập như vậy chúng ta đã dứt bỏ được nỗi khổ vì cấu uế bất tịnh trong tâm. Từ cái thực tại thô thiển, hời hợt bên ngoài ta đã đi sâu vào được cái sự thực tối hậu của thân và tâm. Rồi vượt xa hơn nữa, ta sẽ chiêm nghiệm được sự thực trên cả thân lẫn tâm, ngoài cả không gian và thời gian, ngoài cả cái pháp giới tương đối: đó là Sự thực giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau và cấu uế bất tịnh. Sự thực tối hậu đó ai muốn gọi tên là gì không quan hệ, bởi chưng nó là mục đích tối hậu mọi người muốn đạt được.

Nguyện cho tất cả quý vị trực nghiệm được sự thực tối hậu đó. Nguyện cho tất cả chúng ta không còn khổ đau. Nguyện cho tất cả mọi người được an lạc và hạnnh phúc.

Nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc

_________________________________________________________

(1)Nút Gordian có nghĩa là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp hay là một sự bế tắc.Theo truyền thuyết, ngày xưa vua Gordius xứ Phrygia thắt một cái nút thật chặt. Ông A Lich Sơn Đại Đế (Alexender the Great), sau khi được nghe một nhà tiên tri nói ai mà có thể cởi được nút thắt đó thì sẽ làm vua châu Á. A Lịch Sơn Đại Đế bèn lấy gươm chặt đứt nút thắt của vua Gordius và trở nên sau này một ông vua châu Á.

(2) Tại những nơi có đông người Việt nam, ngài Goenka có nhiều trung tâm dậy Thiền minh Sát (dùng tiếng Việt hay tiếng Anh). Ở California có các trung tâm ở North Fork, ở Joshua Tree National Park, ở Santa Cruz. Ai muốn biết thêm chi tiết về các khoá tu ở California, xin gọi điện thoại số: (559) 877- 4386 hơạc gửi điện thư đến info@mahavana. dhamma.org. Ở Texas có các trung tâm tại Kaufman, tại Dallas, tại Houston. Tại đây, xin liên lạc điện thoại số: (214) 521-5258 hoặc bằng điện thư: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.…Ở Virginia, Maryland, New Jersey, Washington DC, Oregon cũng đều có những nơi dậy Thiền Minh Sát. cho người Việt.

(Nguồn: http://daovien.wordpress.com)

© 2024, Vi Diệu Pháp. All Rights Reserved. Designed & Developed by Davie Pham
Image