PHÁP MÔN " KHÔNG HAI " TRONG KINH BÁT- NHÃ.
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Điều căn bản mà chúng tôi muốn nói hôm nay là “PHÁP MÔN KHÔNG HAI” hay nói cách khác là “BẤT NHỊ PHÁP MÔN”.
Nói không hai đây, tôi sẽ dẫn từ kinh cho đến thiền, để quí vị nghiệm và nghiền ngẫm thấy lý đạo rõ ràng, khiến trên đường tu chúng ta khỏi ngờ vực, và khỏi mắc phải những bệnh thiên chấp hoặc bên này hoặc bên nọ.
Tất cả người tu, muốn thoát khổ được vui không gì hơn phải dùng Trí tuệ Bát-nhã soi sáng phá tan mọi chấp nê của mình.
Nhờ phá được cái chấp mình mới hết khổ.
Vì vậy mở đầu là kinh Bát-nhã.
Quí vị nhớ trong kinh Bát-nhã nói về Pháp Môn Không Hai thế nào?
Đây tôi dẫn như câu:
“Sắc tức thị không, không tức thị sắc.”
Như vậy sắc và không là hai, phải vậy không? Mà ở đây tinh thần Bát-nhã cho chúng ta thấy sắc chính là không, không chính là sắc; thì như vậy có hai không?
Ngay cái sắc đã là không, ngay cái không đã là sắc, thì làm gì có hai?
Đó là tinh thần Bát-nhã.
Tại sao sắc tức là không, không tức là sắc?
Đây tôi nói hai mặt.
* Mặt thứ nhất là trong cái sắc có không, tức là cái không và cái sắc tương đối.
Trong cái sắc này có không, trong cái không này có cái sắc.
Trong cái sắc có không là thế nào?
Chắc rằng quí vị cũng nghe rõ với tinh thần khoa học, gần đây nhất có những nhà khoa học nói rằng dùng kính hiển vi khuếch đại tối đa nhìn thấy trong cái sắc này phần không nhiều hơn phần sắc.
Như vậy, chính trong cái có đó, trong cái sắc đó đã chan chứa cái không ở trong rồi.
Cũng như về thân chúng ta, quí vị thấy cái sắc chất này cái không nhiều hay cái sắc nhiều?
Mỗi lỗ chân lông là thưa hở, là trống, rồi lỗ mũi, lỗ tai, cái miệng, tất cả đều là trống hở cho nên mới có không khí ra vào, mới có thức ăn lưu chuyển ở trong v.v...
Chính cái thân sắc chất này, đã mang đầy tính chất không ở trong. Cũng chính cái không mà chúng ta thấy đó, mang đầy đủ hình sắc, nhưng vì tế vi nhỏ nhít mà chúng ta không thấy được.
Mắt thấy dường như không mà thật ra nếu dùng kính hiển vi nhìn thì nó hoàn toàn có tất cả thứ ở trong đó chớ không phải là không.
Như vậy không, không hẳn là không, sắc không hẳn là sắc.
Trong sắc có không, trong không có sắc.
Lối nói sắc là không đó là lối nói tương đối không đúng lẽ thật; mà trên lẽ thật nó không hẳn là không, không hẳn là sắc mà ngay cái này đã có cái kia, ngay cái kia đã có cái này.
Như vậy thấy rõ không và sắc là hai cái đối đãi, cho đến thị phi, hữu vô v.v... đều nằm trong cái đối đãi đó hết.
Tất cả cái đối đãi đó đều là không thật, chỉ là gượng nói, tạm nói, chớ không có cái thật của nó.
Vì vậy, với Trí tuệ Bát-nhã thấy không có cái không ngoài cái sắc và không có cái sắc ngoài cái không.
Đó là tôi nói cái “Không đối đãi”.
Nếu nói cái không của bản tánh, thì sắc chất có là do duyên hợp mà có.
Bởi duyên hợp mà có, nên nó có mà không phải tự có, do nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân hợp lại thành.
Do nhiều thứ hợp thành, nên nó không có cái thể cố định của nó. Không có thể cố định của nó mà tùy duyên.
Đủ duyên thì hợp, hợp gọi là có; thiếu duyên thì tan, tan gọi là không.
Vậy thì cái hiện có của nó là cái hiện có của duyên, chớ không có cái tự tánh, bởi không có tự tánh nên nói là không.
Tuy mắt thấy nó hiện có mà tự tánh nó là không. Cũng như cái không, tuy không mà không cố định là không, tại sao?
Vì đủ duyên hợp thành sắc.
Đang trống không mà nếu có một cái gì tụ họp lại hoặc là đất, là đá, là nhà cửa v.v... thì ngay trong không biến thành sắc, ngay trong sắc đổi thành không.
** Đứng về mặt thứ hai nói, cái sắc và không đều là do tướng của duyên.
Đã là tướng của duyên nên nó không bị tự tánh.
Bởi không có tự tánh nên có cũng vẫn là không.
Đó là trí Bát-nhã thấy tường tận như vậy.
Cái có đã là không, thì không chấp cái có thật có, cũng như cái không là có, thì không chấp cái không thật không.
Không chấp cái có thật có, không chấp cái không thật không, khi mình nói cái đó là có mà có người khác nói là không thì mình nói làm sao, mình nên cãi không?
Bởi mình đã thấy có không thật có, không không thật không thì có cần cãi làm gì?
Bởi thấy có là thật có, không là thật không, nên mình nói có, mà người ta nói không, mình không chịu, vì không chịu nên sanh cãi.
Như vậy, quí vị thấy rõ rằng khi thấy sắc không không hai thì chúng ta mất hết những niệm tranh hơn tranh thua, tranh phải tranh quấy.
Nếu chúng ta không tranh hơn thua phải quấy thì tâm chúng ta có phiền não hay không?
Sở dĩ chúng ta giận người này buồn người kia là tại sao, tại mình nói cái này phải, mà họ nói quấy. Mình nói cái này quấy họ nói phải.
Hai cái khác nhau nên có sự chống đối, chống đối thì bực bội. Mình nói có mà họ nói không, thì mình bực bội không chấp nhận.
Đó là sanh phiền não.
**** Bấy giờ chúng ta thấy rõ tường tận: Sắc và không, không hai.
Sắc không, không hai, thì có không cũng không hai, phải quấy cũng không hai, tốt xấu cũng không hai.
Tất cả đối đãi đều không có thật. Bởi không có thật, hay không cố định, nên chúng ta đừng chấp.
Chúng ta không chấp thì cái khổ không còn.
Đó là một lối tu rất là dễ, rất là gần.
Cho nên lý sắc không của Bát-nhã cho chúng ta thấy rõ tất cả sự vật ở thế gian này, trên phương diện ngôn ngữ thì tạm đặt, hoặc là có hoặc là không, hoặc là thiện, hoặc là ác, hoặc là phải, hoặc là quấy.
Tạm đặt để dùng thôi, không phải là cứu kính, không phải là chân lý.
Hiểu như vậy chúng ta đừng chấp.
Nếu không chấp thì chúng ta sẽ tự tại trước mọi hình tượng đổi thay, trước mọi ngôn ngữ sai biệt, không còn gì phiền não hết.
Vì vậy, quí vị nhớ trong nhà Phật luôn luôn nói phiền não tức Bồ-đề, phải vậy không?
Không phải rời phiền não mà có Bồ-đề riêng, như thế gian nói: “tôi phiền não quá”, phiền não là tâm điên đảo rối rắm, Bồ-đề là tâm giác ngộ.
Người ta nói phiền não là khác với giác ngộ, giác ngộ là khác với phiền não, nhưng với tinh thần Đại thừa thấy ngay phiền não tức là Bồ-đề, ngay Bồ-đề không khéo thì thành phiền não.
Như vậy phiền não tức Bồ-đề là sao?
Bồ-đề tức phiền não là sao?
Tôi thí dụ, mình lên chùa tụng kinh là Bồ-đề, mà tụng kinh người đánh mõ cứ đánh chậm, lùi lùi lại hoài, lúc đó Bồ-đề dấy phiền não.
Mình lên chánh điện tụng kinh là phát tâm Bồ-đề, tâm giác ngộ, mà người đánh mõ không vừa ý, mình bực mình muốn sân lên, như vậy Bồ-đề dấy phiền não rồi.
Sao là phiền não tức Bồ-đề?
Ví dụ: Mình đang giận một huynh đệ nào đó, giận đỏ mặt. Đang giận đỏ mặt là phiền não.
Khi ấy bất thần có một Sư huynh đi ngang thấy nói: “Đã tu mà giận sao?” Mình xấu hổ hết giận, tâm lặng lẽ thanh tịnh lại.
Vậy phiền não thành Bồ-đề, khỏi tìm kiếm đâu xa hết.
Quí vị thấy phiền não, Bồ-đề đâu có xa, tâm dấy lên điên đảo là phiền não, lặng xuống thanh tịnh là Bồ-đề.
Ngay trong Bồ-đề không khéo thành phiền não.
Đâu có cái thứ hai ở ngoài chạy vô.
Chúng ta khéo tu biết rõ hai cái không có rời nhau, ngay phiền não chuyển thành Bồ-đề, không khéo Bồ-đề biến thành phiền não, hiếm gì người từ Bồ-đề biến thành phiền não.
Đây là tôi nói một chút ít để quí vị hiểu.
Lý sắc tức thị không, không tức thị sắc cũng tương tự như vậy.
Đó là dẫn đại khái kinh Bát-nhã cho quí vị thấy lý không hai.
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : Pháp Môn Không Hai.
(Xuân Trong Cửa Thiền Tập 1,2,3)