" PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SỰ,
BẤT TÙNG THA ĐẮC" .
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Hôm nay tôi sẽ giảng về đề tài Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.
Đây là một đề tài chuyên về tu thiền, nhất là Thiền tông Việt Nam.
Đời nhà Trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ được ngộ đạo.
Cho nên vua Trần Thánh Tông gởi Thái tử Trần Khâm cho Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy đạo lý.
Khi học hỏi gần xong sắp trở về triều, trước lúc từ giã Thái tử hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:
"Bạch Thượng Sĩ, pháp yếu của Thiền tông là gì? ".
Thượng Sĩ trả lời:
"Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc".
"Phản quan" là soi sáng hay xem xét, "tự kỷ" là chính mình. "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc" có nghĩa xem xét lại chính mình là việc bổn phận, không phải từ nơi khác mà được.
Đó là câu châm ngôn trong nhà Thiền. Chúng ta nghiên cứu Phật pháp sẽ thấy câu này hệ trọng như thế nào.
Trong pháp tu Tứ niệm xứ gồm có quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.
Cả bốn thứ quán này đều quay lại mình, chớ không đi hướng nào khác.
Quán thân bất tịnh là quay lại mình để xem xét thân này nhớp nhúa không sạch.
Quán thọ thị khổ là quay lại mình xem xét những cảm giác thọ nhận đối với sáu trần bên ngoài đều là đau khổ.
Quán tâm vô thường là quay lại mình để xem xét tâm niệm luôn luôn sinh diệt không dừng.
Quán pháp vô ngã là quay lại mình xem xét những tâm sở pháp không có chủ thể cố định.
Đến pháp quán hơi thở là Anapanna cũng nhìn lại hơi thở của mình từ thô đến tế.
Nên pháp quán này còn được gọi là "Lục diệu pháp môn".
Đó là sáu môn quán chiếu xoay lại mình: sổ tức, tùy tức, chỉ, quán, hoàn, tịnh.
Sổ tức, tức là đếm hơi thở.
Hít vô cùng, thở ra sạch đếm một, như vậy đếm tới mười thì bỏ, bắt đầu đếm lại từ một.
Sổ tức đã thuần thục bước sang Tùy tức, nghĩa là theo dõi hơi thở. Quan sát hơi thở vô, hơi thở ra một cách rõ ràng gọi là Tùy tức.
Chỉ là dừng tâm để nhìn hơi thở. Quán là xem xét hơi thở vô ra, nên hơi thở là mạng sống vô thường không bền lâu.
Hoàn là xoay trở lại tìm xem cái quán hơi thở vô thường đó là gì.
Cuối cùng dừng hết tâm, không chạy ra ngoài nữa gọi là Tịnh.
Như vậy pháp tu Tứ niệm xứ hay Lục diệu pháp môn v. v… đều là phản quan, chớ không có gì khác.
Người tu Phật muốn đi tới chỗ an định, trí tuệ sáng suốt thì phải quay lại quán chiếu nơi mình.
Thấy rõ được mình như vậy gọi là phản quan. Phản quan ở đâu?
Phản quan nơi chính mình.
Đêm nào chúng ta cũng tụng kinh Bát-nhã hết.
Vậy tụng kinh Bát-nhã để làm gì?
Để bổ khuyết tâm kinh phải không? Không phải. Lâu nay có một ít người lầm, cho rằng kinh Bát-nhã là bổ khuyết tâm kinh. Sao gọi là bổ khuyết? Bởi khi tụng kinh, người đánh mõ nhanh quá nên có khi tụng sót, vì vậy phần sau phải bổ khuyết lại bằng bài kinh Bát-nhã.
Hiểu như vậy là một lầm lẫn lớn lao.
Bát-nhã là trí tuệ.
Trí tuệ đó là trí tuệ chiếu soi thấu suốt được bản thân con người và tất cả ngoại cảnh bên ngoài, cho nên gọi đó là trí tuệ Bát-nhã.
Mở đầu kinh Bát-nhã là câu: "Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. "
Nghĩa là Bồ-tát Quán Tự Tại khi hành sâu trí tuệ Bát-nhã, Ngài chiếu soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết tất cả khổ nạn.
Tinh thần Bát-nhã là phản quan lại, chiếu soi năm uẩn không thật thì qua hết tất cả khổ nạn.
Pháp tu nào của nhà Phật cuối cùng cũng phải tụng kinh Bát-nhã.
Tu Tịnh độ, tu Mật tông, tu Thiền v. v… đều như vậy.
Nghĩa là tất cả pháp tu của Phật dạy, cuối cùng đều qui hướng về trí tuệ.
Có trí tuệ mới giải thoát đau khổ, có trí tuệ mới thấy được chân lý.
Có trí tuệ mới ngộ đạo.
Đó là điểm then chốt, là căn bản trên con đường tu tập để được giác ngộ giải thoát.
Như kinh Kim Cang, Phật trả lời hai câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề:
"Vân hà an trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm? "
Nghĩa là làm sao an trụ, làm sao hàng phục được tâm kia?
Đức Phật trả lời:
Phải độ tất cả chúng sanh nào thai sanh, thấp sanh, hóa sanh cho tới những loài hữu sắc vô sắc, hữu tưởng vô tưởng v. v… đều vào vô dư Niết-bàn, đó là hàng phục tâm.
Nếu thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà không dính mắc không trụ trước, đó là an trụ tâm.
Phật dạy chúng ta hàng phục tâm là đưa những niệm nghĩ tưởng về hữu sắc, vô sắc v. v… vào vô dư Niết-bàn, tức vào chỗ không sanh không diệt, đó là hàng phục tâm.
Nếu muốn an trụ tâm thì đối với sáu trần không cho dính mắc.
Không trụ nơi sắc sanh tâm, không trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, đó là an trụ tâm.
Như vậy trọng tâm kinh Kim Cang dạy hàng phục tâm, là bất cứ niệm tưởng nào cũng đều đưa nó vào chỗ vô sanh.
Đối với sáu trần không dính, không kẹt, đó là an trụ tâm.
Chúng ta học kinh, hiểu rõ ý nghĩa kinh thì sự tu hành mới dễ.
Trọng tâm tu là phải hàng phục vọng tưởng bên trong, đừng dính mắc sáu trần bên ngoài.
Muốn hàng phục tâm vọng tưởng bên trong, phải phản quan nhìn lại chính mình.
Muốn không dính mắc sáu trần thì phải khéo quán sát. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần liền thấy, liền biết không cho dính kẹt.
Đó là gốc của đạo Phật.
Chúng ta tu muốn đi tới giác ngộ, tâm hoàn toàn an định thì không có cách nào khác hơn là phải ứng dụng như vậy.
Cho nên tất cả người tu đều phải giữ gìn đừng để sáu căn dính với sáu trần.
Được thế là tự do tự tại.
Tự do tự tại chính là giải thoát vậy.
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : HOA VÔ ƯU.
(Chú thích : Thủ bút của Hòa Thượng Thích Thanh Từ viết năm 2510 Phật Lịch tức năm 1966, cách nay 56 năm).