ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT .
Cố Thiền Sư Thích Nhất Hạnh .
Thở vào tôi biết tôi đang còn sống.
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.
Bài thực tập này giúp chúng ta có mặt thật sự và tiếp xúc được với sự sống.
Theo nguyên tắc, khi thở vào, đem thân trở về với thân, tiếp xúc được với sự thật là ta đang còn sống và sự sống đang có mặt trong ta và chung quanh ta thì sự thực tập chế tác được niềm vui, niềm vui được biết là ta đang còn sống.
Ta có tuệ giác là mình phải sống như thế nào cho xứng đáng, để không làm uổng phí sự sống mà mình đã được ban tặng.
Thở vào tôi biết là tôi đang còn sống, ta có niềm vui do ý thức tạo ra.
Nhưng niềm vui nhờ ý thức được rằng mình đang còn sống có hàm chứa sự lo lắng mà mình không muốn đối diện.
Mình lo lắng một ngày nào đó mình sẽ phải chết tại vì có sống thì phải có chết.
Niềm vui đó có thể không trọn vẹn, mình trận quí sự sống, mình trân quí giây phút hiện tại nhưng phía sau vẫn còn một sự lo lắng nào đó:
Ngày mai mình sẽ nằm xuống và thân xác của mình sẽ cứng đơ.
Mình không còn thở, không còn cảm xúc, không còn cảm giác nữa, mình không còn suy tư và không còn có mặt trong cuộc đời.
Tuy niềm vui chế tác bởi ý niệm “mình đang còn sống” có mặt thật sự, nhưng phía sau còn lãng vãng một nỗi sợ, một nỗi buồn.
Niềm vui đó không được trọn vẹn tại vì mình biết rất rõ đã có sự sống thì thế nào cũng có cái chết, không chết ngay bây giờ nhưng sẽ chết một ngày nào đó.
Vì vậy trong đạo Bụt chúng ta có những phép thực tập quán chiếu về cái chết.
Đức Thế Tôn nói quán chiếu về cái chết đem lại rất nhiều lợi lạc.
Chúng ta sợ cái chết, chúng ta không cảm thấy thoải mái khi nghĩ tới cái chết và ta có khuynh hướng đẩy ý niệm chết ra.
Ta không dám đối diện với cái chết, nhưng trong tiềm thức ta biết thế nào ta cũng phải đối diện với nó.
Chúng ta có nhiều bài tập quán chiếu về cái chết mà bài tập thông thường nhất là:
" Tôi thế nào cũng phải chết.
Tôi không thể nào tránh khỏi cái chết."
Trong chiều sâu tâm thức của chúng ta có hạt giống sợ chết.
Nhưng thay vì trốn chạy hay khỏa lấp nó thì ta đưa nó lên và nhìn thẳng vào nó.
Ta đối diện với nỗi sợ của mình, nỗi sợ khi chết phải đi vào hư vô, phải từ lĩnh vực của hữu thể đi vào lĩnh vực của vô thể.
Mỗi người trong chúng ta đều có hạt giống của sự sợ hãi đó nên bài tập dạy chúng ta: thay vì chạy trốn nó thì ta nâng nó lên cao và nhìn thẳng vào mặt nó.
Trụ Vũ có viết một bài thơ:
" Tôi đi giữa sa mạc hiu quạnh
Một con gấu bỗng đến vồ tôi
Nhưng tôi nhìn thẳng vào mặt nó
Để mặc cho nó xé nát cho rồi."
Nhưng bài thơ của Trụ Vũ có vẻ bi thảm.
Đáng lý ra mình phải xé nát con gấu thay vì để con gấu xé nát mình.
Cái chết chỉ là một ý niệm, con gấu đó là một con gấu giấy mà không phải là con gấu thật.
Bài thực tập này Bụt đưa ra cho các thầy gồm có năm phần:
1. Thế nào tôi cũng phải già, tôi không thể nào tránh thoát cái già.
Ta đem cái sợ già lên nhìn và mỉm cười với nó.
Người tu phải có can đảm đối trị cái sợ của mình, nếu không nó sẽ âm thầm tàn phá mình, tại vì tiềm thức mình hoạt động ngày đêm và nó chi phối cách suy tư, cách nói năng, cách hành động của mình mỗi ngày.
Phương pháp của đạo Bụt là không trốn chạy mà phải đem cái sợ lên mà nhìn cho kỹ, trước hết là nhìn cái già của mình: mình thế nào cũng phải già, mình còng lưng xuống chống gậy và đi những bước run rẩy.
2. Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào thoát khỏi bệnh.
Trước khi chết thế nào mình cũng phải bệnh, không bệnh này thì bệnh khác.
Mình rất sợ giờ phút mình nằm trên giường bệnh, bác sĩ chăm sóc cho mình bớt đau nhức.
Khi mình trực tiếp nhìn vào mặt của cái bệnh thì nó sẽ không ở bên dưới thầm thầm chi phối mình nữa.
3. Tôi thế nào cũng phải chết, tôi không thế bào tránh khỏi cái chết.
4. Những gì tôi trân quí hôm nay như địa vị, bằng cấp, danh vọng, tài sản, những người thương thì đến giờ phút đó tôi đều phải buông bỏ, tôi không đem theo được gì hết.
Mình phải thấy được sự thật đó.
Có những người chết rất khó tại vì họ không buông bỏ được.
Chúng ta học quán chiếu để buông bỏ ngay từ bây giờ.
5. Cái mà tôi đem theo là tất cả hành động của tôi.
Những gì, tôi nghĩ, những gì tôi nói, những gì tôi làm sẽ không mất đi, tôi sẽ đem chúng theo và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng nó.
Những tư duy của tôi, những lời nói, những hành động của tôi (hoặc lành hoặc dữ) đều mang chữ ký của tôi.
Tôi không thể nào chối là tôi đã không nghĩ, không nói, không làm như vậy.
Đó là những nghiệp mà tôi đã tạo ra trong đời này và nó sẽ đi theo tôi.
Đức Thế Tôn đã dạy các thầy, các sư cô quán chiếu như vậy với mục đích là cho chúng ta cơ hội đưa cái sợ lên, nhìn thẳng vào mặt nó để làm cho nó yếu bớt đi, không cho nó âm thầm chi phối những tư tưởng, những ngôn ngữ hay những hành động của mình trong đời sống hằng ngày.
Chúng ta nên có một bài tập nữa để bổ túc cho bài tập
”Thở vào tôi biết đang còn sống, thở ra tôi ăn mừng sự sống”.
Thở vào, tôi biết ngày nào đó tôi sẽ chết và tôi sẽ không đem theo được gì ngoài hành động (karma) của tôi mà thôi.
Bài tập thứ hai này không dễ chịu bằng bài tập thứ nhất nhưng nếu mình biết thực tập thì bài tập thứ nhất sẽ đem lại cho mình hạnh phúc nhiều hơn.
Đức Thế Tôn có nói: nếu chúng ta quán chiếu được về cái chết thì công đức sẽ vô lượng.
Theo tiêu chuẩn ngoài đời, một người đang còn trẻ mà quán chiếu về cái chết thì không lành mạnh (morbide).
Nhưng sự thật thì ngược lại, nếu quán chiếu và thấy được bản chất của cái chết thì ta sẽ trân quí sự sống và ta sẽ sống sâu sắc và hạnh phúc hơn nhiều.
Cố Thiền Sư Thích Nhất Hạnh .
Trích trong :" Quán chiếu về sống chết "