Thiền Sư Mahasi Sayadaw

Chương V – Các Tầng Thiền Minh Sát (Phần B) – Ðạt Ðến Các Tầng Thiền Minh Sát Cao Hơn

Chương V – Các Tầng Thiền Minh Sát (Phần B) – Ðạt Ðến Các Tầng Thiền Minh Sát Cao Hơn
CCác Tầng Thiền Minh Sát
(Phần B)

Ðạt Ðến Các Tầng Thiền Minh Sát Cao Hơn

Ở tầng Thiền Minh Sát đầu tiên, thiền sinh có được tuệ giác thấy rõ sự sinh diệt mau lẹ của các hiện tượng. Sau khi đạt được tuệ giác này, thiền sinh sẽ tiếp tục vượt lên trên để đạt đến các tầng Thiền Minh Sát kế tiếp.

Tầng Thiền Minh Sát thứ hai

Nếu tiếp tục tinh tấn hành thiền, thiền sinh sẽ không còn suy tư và phản ánh như trước nữa, mà tâm trở nên thuần thục hơn để nhìn các hiện tượng một cách đơn giản và khách quan hơn.

Ðến giai đoạn này, thiền sinh chỉ thuần quán sát mà không còn có sự suy tư hay phản ánh như trước nữa. Giờ đây tâm thiền sinh trở nên minh mẫn, sáng suốt. Thiền sinh có thể theo dõi một cách nhanh chóng sự sinh và diệt của các hiện tượng từng thời điểm một. Nhờ tâm chánh niệm liên tục và sắc bén nên sự suy nghĩ tản mạn ít hơn, và cũng không có hoài nghi về sự vô thường, bản chất tạm bợ của thân và tâm. Việc hành thiền lúc bấy giờ trở nên dễ dàng, trôi chảy mà không cần có nhiều cố gắng. Nhờ không cần nhiều cố gắng và không suy nghĩ nên tâm thiền sinh tràn đầy hỉ lạc. Sự thuần chú tâm quán sát và không suy tư nghĩ ngợi này được gọi là tầng tuệ minh sát thứ hai.

Ở tuệ minh sát thứ nhất, thiền sinh còn cần phải có nỗ lực cố gắng và bị nhiều suy nghĩ, trong khi ở tầng thiền thứ hai, thì thiền sinh thấy các hiện tượng sinh diệt một cách rõ ràng. Tâm tràn đầy hỉ lạc. Ðức tin và sự an lạc trở nên mạnh mẽ.

Những Nguy Hiểm Của Ðức Tin, Tĩnh Lặng, Hỉ và Lạc

Tâm có thể trở nên rất tinh tế và định tâm sâu xa. Sự định tâm sâu xa này dẫn đến một đức tin trong sáng, rõ ràng. Ðức tin này phát sinh từ kinh nghiệm cá nhân. Ðức tin này cũng đưa đến một sự tin tưởng vững chắc rằng nếu tiếp tục hành thiền thì sẽ đạt được những lợi ích mà Ðức Phật đã nói đến và thiền sư đã dạy.

Hỉ và lạc (cả thân lẫn tâm) cũng trở nên mạnh mẽ trong giai đoạn này. Khi thiền sinh đạt được tầng Thiền Minh Sát thứ hai, thông thường, thiền sinh thường bị dính mắc vào những sự an lạc kỳ diệu của tâm. Thiền sinh sẽ cảm nhận được sự yên lặng, tịch tịnh vô biên cao tột chưa từng có. Nhiều thiền sinh cho rằng mình đã đắc đạo. Gặp trường hợp như vậy thì kỳ vọng tiến bộ sẽ ra khỏi tầm tay. Thiền sinh sẽ gặp nhiều trường hợp mà Ðức Phật đã đề cập đến là tâm cô đọng bên trong.

Khi bạn có những cảm nhận hay kinh nghiệm đặc biệt, thì hãy lấy đó làm đề mục để niệm thầm hay ghi nhận. Hãy tỉnh thức chánh niệm sự hỉ lạc, đức tin, sự thanh tịnh và những trạng thái khác. Tất cả các trạng thái đó đều chỉ là những tâm sở, mà các tâm sở cũng bị luật vô thường chi phối. Nếu trong khi ghi nhận chúng mà bạn thấy rằng mình đã dính mắc vào chúng thì hãy tức thời cắt đứt sự dính mắc này bằng cách quay về đề mục chính của mình, đó là chuyển động của bụng. Chỉ như thế thì sự tiến bộ của bạn mới liên tục, vững chắc, và bạn mới có thể nếm được hương vị ngọt ngào của đạo quả giải thoát.

Thiền sư phải tinh ý để giúp đỡ các thiền sinh đang ở trong tình trạng này. Thiền sinh thường quá phấn khích bởi những kinh nghiệm tốt đẹp mà mình đã đạt được khiến cho họ có khuynh hướng chống lại hay bỏ qua những lời khuyên dạy của thiền sư nếu như những lời khuyên dạy này có vẻ đánh giá thấp những gì mà thiền sinh đã đạt được. Gặp những trường hợp như vậy, thiền sư đừng nói gì nhiều cả mà chỉ nói một cách nhẹ nhàng: “Việc hành thiền của bạn đang tiến triển, tuy nhiên, những gì bạn thấy được trong khi hành thiền chỉ là những điều tự nhiên. Hãy tiếp tục thì bạn sẽ kinh nghiệm được nhiều điều kỳ thú hơn bây giờ. Vậy thì hãy chánh niệm, ghi nhận mọi trạng thái mà bạn gặp phải để có thể đạt được những kinh nghiệm tốt đẹp hơn”.

Nghe theo những lời chỉ dẫn này, thiền sinh tinh tấn ghi nhận những hiện tượng xảy ra như ánh sáng, đức tin, hỉ, lạc, an tịnh, thoải mái, v.v… Ðiều này khiến thiền sinh ý thức được rằng sự chánh niệm ghi nhận một cách đơn giản chính là lối thực hành đúng đắn.

Tầng Thiền Minh Sát thứ ba

Hỉ, lạc dần dần sẽ biến mất, nhưng chánh niệm và chánh định sẽ thâm sâu hơn, rồi trí tuệ thấy rõ bản chất thật sự của những gì đang xảy ra sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ. Tại thời điểm này, xả giác chi sẽ trội hẳn hơn cả. Tâm sẽ không lay động trước những đối tượng vừa ý cũng như những đối tượng không vừa ý, và một cảm giác dễ chịu tràn ngập thân tâm. Lúc bấy giờ thiền sinh có thể ngồi thật lâu mà chẳng thấy đau nhức chút nào. Cơ thể trở nên thanh tịnh trong sáng, nhẹ nhàng và khoan khoái. Ðó là tầng Thiền Minh Sát thứ ba.

Trong tầng thiền này chỉ còn có hai thiền chi là lạc và nhất tâm. Tầng Thiền Minh Sát thứ ba sẽ phát sinh khi tuệ sinh diệt chín mùi. Việc chuyển từ tầng thiền thứ hai sang tầng thiền thứ ba là một bước ngoặc quyết định trong việc hành thiền. Con người thường hay dính mắc vào những gì thường gây ra kích thích, hồi hộp, say sưa. Ðó là những cảm giác kích động tâm. Hỉ là một trong những lạc thú mang tính chất kích động. Nó tạo nên những gợn sóng hay chấn động trong tâm. Ðây chỉ là giai đoạn trung gian chuyển tiếp, do đó, khi trải qua giai đoạn này thì nỗ lực chánh niệm một cách tinh tế, tỉ mỉ bởi vì bao lâu thiền sinh còn dính mắc vào hỉ thì thiền sinh không thể tiến tới giai đoạn trưởng thành, tức là không thể có được một hạnh phúc êm đềm đến từ sự bình an tĩnh lặng.

Hạnh phúc cao tột

Trong kinh điển có kể chuyện về con bò mẹ đang cho bê con bú, và so sánh chuyện này đến bước chuyển tiếp từ giai đoạn thứ ba sang giai đoạn này. Người nuôi bò phải biết cho bò con thôi bú sớm để có thể lấy sữa bò xử dụng vào những mục đích khác. Chú bê cũng như tầng thiền thứ hai được nuôi dưỡng bằng hỉ. Bò mẹ là tầng thiền thứ ba, và người uống sữa tươi ngon, ngọt ngào, bổ dưỡng giống như thiền sinh thoát qua khỏi giai đoạn dính mắc vào lạc.

Cái hạnh phúc và an lạc mà thiền sinh đã thưởng thức trong tầng Thiền Minh Sát thứ ba là hạnh phúc cao tột do việc hành thiền đem lại. Hạnh phúc này ngọt ngào tuyệt diệu, tuy nhiên thiền sinh vẫn có thể giữ vững tâm xả thọ, an nhiên, tự tại, quân bình khi ở giai đoạn này mà không bị dính mắc.

Mặc dù đang ở trong giai đoạn tốt đẹp như vậy, thiền sinh cũng phải kiên trì giữ tâm chánh niệm quán sát đề mục làm sao để cho sự an lạc của thân và tâm cũng như sự bén nhạy và trong sáng của tuệ giác nội quán không biến thành những luyến ái và dính mắc vi tế. Bởi thế, khi nhận thấy rằng trí tuệ nội quán của mình trở nên bén nhạy, rõ ràng, kỳ diệu, thì phải ghi nhận. Khi bạn ghi nhận một cách hoàn toàn chánh niệm trên các đối tượng xảy ra và không để chúng vượt khỏi màn bạc tâm giới, nghĩa là không để thoát khỏi sự kiểm soát của tâm, thì sự luyến ái sẽ ít khởi sinh.

Sự diệt của các hiện tượng: An lạc biến mất

Tuệ thứ ba được gọi là hạnh phúc tối đa bởi vì các tuệ kế tiếp không còn hạnh phúc nữa vì mỗi khi bạn ghi nhận hiện tượng một cách chánh niệm liên tục, bạn sẽ vượt qua tình trạng thấy được sự sinh diệt để chỉ còn thấy mỗi sự diệt mà thôi. Vào lúc này thì giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của đối tượng không còn rõ ràng nữa. Thiền sinh chỉ thấy một sự biến mất liên tục của các hiện tượng. Vừa mới ghi nhận thì hiện tượng lại biến mất.

Thường thường dường như bạn không thấy thân thể nữa, mà chỉ thấy thuần hiện tượng, hiện tượng biến mất liên tục. Thiền sinh sẽ có khuynh hướng u sầu buồn bã, ưu tư, thân tâm bất an, cuồng loạn, không những do thiền sinh thấy mình thiếu hẳn sự an lạc mà còn do sự biến mất một cách nhanh chóng của mọi hiện tượng. Hiện tượng xảy ra chưa kịp ghi nhận đã biến mất, để lại một khoảng trống không khiến thiền sinh bàng hoàng sửng sốt, rồi những hiện tượng kế tiếp cũng diễn ra như vậy.

Giờ đây, các khái niệm về sự chế định hay còn gọi là tục đế không còn gọi là rõ ràng nữa. Thiền sinh có thể vừa ghi nhận được chân đế là những thực tế phi khái niệm của đối tượng, thấy rõ bản chất của đối tượng, đồng thời thiền sinh cũng thấy được khái niệm chế định về hình thể như tay, chân, mặt, mũi, đầu, bụng, v.v… Khi tuệ giác này trở nên mạnh mẽ, thiền sinh thấy sự diệt một cách cực kỳ nhanh chóng hơn nữa. Lúc bấy giờ khái niệm về sự chế định biến mất. Khi một hiện tượng phát sinh, thiền sinh không còn biết nó nằm ở chỗ nào trên cơ thể mà chỉ thấy một sự tan biến liên tục.

Trước tình huống này, thiền sinh có thể khóc tức tưởi và băn khoăn tự hỏi, “Trời đất ơi, chuyện gì xảy ra thế này? Việc hành thiền của ta đang tốt đẹp biết chừng nào, giờ đây tiêu tan hết tất cả. Phí biết bao là công sức, nỗ lực, để cuối cùng là thế này đây. Ta chẳng thể kiểm soát được gì cả, cũng chẳng thể ghi nhận được tí gì”. Lúc bấy giờ, sự tự trách, bất mãn, buồn bã đầy ắp tâm bạn. Rõ ràng là chẳng có gì an lạc thoải mái cả.

Nhưng bạn cứ yên tâm, vì cuối cùng, tình trạng này rồi cũng biến mất, và bạn sẽ cảm thấy yên bình, thoải mái ở bước tiến bộ mới. Bạn hãy bình tĩnh, tự nhiên tiếp tục xem xét mọi hiện tượng xảy ra. Giai đoạn tiến bộ này gọi là sự thấy được sự diệt của các hiện tượng hay tuệ diệt. Tuệ này có một đặc tính thú vị là chẳng có sự an lạc của thân và tâm, cũng chẳng thấy đau nhức khó chịu xảy ra. Tâm ở vào trạng thái trung trung, chẳng buồn mà chẳng vui.

Tầng Thiền Minh Sát thứ tư

Trong quá trình trưởng thành, thuần thục của tuệ giác thấy sinh diệt, thì hỉ của tầng thiền thứ hai đem đến sự an lạc thoải mái cho tầng thiền thứ ba. Hỉ đầy phấn khích lúc ban đầu được thay thế bằng một cảm giác bình an nhẹ nhàng. Khi sự an lạc biến mất ở tầng tuệ thấy được sự diệt, tâm cũng vẫn an lạc thoải mái, không có gì khó chịu cả. Tiếp theo từ tầng thiền thứ ba dẫn đến tầng thiền thứ tư. Ðặc tính của tầng thiền thứ tư này là tâm đạt trạng thái xả, và có sự nhất tâm, chuyên chú vào đề mục.

Thái độ xả đối với mọi pháp trần

Khi tâm không vui, không buồn, không thoải mái và cũng không khó chịu, thì lúc đó, tâm xả phát sanh. Tâm xả có một sức mạnh kỳ diệu phi thường để quân bình tâm. Trong trường hợp này, tâm xả được gọi là tatra majjhattatta. Trong sự quân bình này, tâm trở nên hoàn toàn thanh tịnh, vắng lặng, chính xác và sắc bén. Tâm có thể thấy rõ những khía cạnh rất vi tế của các hiện tượng. Ðây là chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật. Tâm len lỏi đi vào từng ngóc ngách hết sức vi tế của chuyển động. Thật ra thì đặc tính tatra majjhattatta, hay trung tánh hoặc là xả này ở các tầng thiền trước cũng có, nhưng ở trong tầng thiền thứ nhất, thứ nhì và thứ ba nó bị che khuất bởi các tâm sở vượt trội khác, giống như mặt trăng giữa ban ngày thì không thể sánh với ánh sáng mặt trời được.

Tóm Lược Bốn Tầng Thiền Minh Sát

Ở tầng Thiền Minh Sát thứ nhất, khi thiền sinh thấy được vô thường, khổ não, vô ngã, sự quân bình chưa được hoàn toàn phát triển. ở tầng thiền này, tầm và tứ mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự hướng tâm và áp đặt tâm trên đề mục vẫn chưa hoàn hảo mà còn nhiều sự suy nghĩ.

Trong tầng Thiền Minh Sát thứ hai, khi thiền sinh thấy được sự sinh diệt của các hiện tượng, sự kích thích, phấn chấn, say mê vẫn còn che lấp tâm xả (tầm, tứ được loại bỏ chỉ còn lại hỉ, lạc và nhất tâm).

Ở tầng Thiền Minh Sát thứ ba, thiền sinh vẫn ở trong tuệ sinh diệt nhưng tuệ giác này mạnh mẽ hơn, có một sự an lạc, thoải mái, hạnh phúc ngọt ngào tuyệt diệu vô biên, nên tâm xả cũng chưa có điều kiện để hé lộ (tầm, tứ, hỉ được loại bỏ chỉ còn lạc và nhất tâm).

Trong tầng Thiền Minh Sát thứ tư, khi mà sự an lạc thoải mái dễ chịu dần dần tan biến và nhường chỗ cho cảm giác vô ký, không vui, không buồn, không yêu, không ghét, thì sự quân bình có cơ hội hiển bày. Ðây là lúc thiền sinh thấy rõ sự diệt của các hiện tượng (tầm, tứ, hỉ, lạc biến mất chỉ còn nhất tâm và xả). Lúc bấy giờ, cũng như ánh sáng ban ngày đã lịm dần, bóng đêm bắt đầu bao phủ vạn vật. Nhưng trăng rằm xuất hiện, chiếu rạng cả bầu trời.

Kế tiếp sau tuệ diệt là những dấu hiệu của tâm sợ hãi, chán ghét, có ý muốn thoát ly. Mặc dù lúc này tâm ở trạng thái xả, nhưng sự xả chưa đủ mạnh. Tâm xả chỉ thật sự mạnh mẽ khi đạt được tuệ xả thọ đối với các pháp trần.

Ðến giai đoạn này, việc hành thiền đã lên đến mức độ thâm sâu. Lúc bấy giờ, thiền sinh sẽ thấy rõ mọi diễn biến của các hiện tượng diễn ra một cách nhẹ nhàng, êm ái. Tâm bây giờ rất tinh nhạy. Nó có thể di động một cách nhanh chóng và dễ dàng để chụp lấy đối tượng trước khi tâm bị quấy nhiễu bởi sự vui, buồn, yêu, ghét. Bởi thế, ái dục và sân hận không có cơ hội đầu độc tâm. Những đối tượng thông thường rất khó chịu, hay những đối tượng gây cảm giác kích thích, say sưa, hồi hộp cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tâm bởi vì cả sáu căn đều có sự quân bình xả thọ tốt đẹp, nên được gọi là lục căn xả thọ.

Ở giai đoạn này, tâm chánh niệm nhận thức rất tinh tế. Tiến trình chuyển động qua sự ghi nhận của thiền sinh bấy giờ chỉ là những sự rung động. Tiến trình chuyển động vỡ ra từng mảnh và tan biến. Nếu thấy như vậy, bạn thử niệm ngồi, và trong khi niệm ngồi, chú ý đến toàn thể tư thế ngồi hoặc có thể niệm đụng và chú tâm đến một vài điểm đụng ở bàn tọa, đầu gối. Khi chú tâm vào sự ngồi hoặc các điểm đụng trên, bạn cũng không có những ý niệm gì về cơ thể. Cơ thể lúc ấy dường như biến mất. Bạn chỉ thấy toàn là sự diệt mà thôi.

Vì không còn ý niệm về thân và không nhận ra được các hiện tượng của cơ thể, nên bệnh hoạn và đau nhức cũng mất. Cả sự ngứa ngáy và nhột nhạt cũng không còn. Bấy giờ chỉ còn lại tâm ghi nhận sự biến mất của thân, và lúc bấy giờ, thiền sinh hãy lấy tâm ghi nhận này làm đề mục và niệm ‘biết, biết, biết.’ Trong khi đang ghi nhận như vậy, có lúc sự nhận biết bắt đầu lay động, dường như nhơm nhớm muốn biến mất nhưng lại thôi. Vào lúc đó, tâm rất sáng suốt và cực kỳ nhạy bén. Tâm ở trạng thái cực kỳ quân bình này được xem như tâm của một vị A La Hán, là tâm an nhiên tự tại không rung động khi tiếp xúc với các đối tượng hiện ra trên màn bạc tâm giới.

Tuy nhiên, dù bạn có đạt được trạng thái này trong khi hành thiền, bạn cũng chưa phải là một vị A La Hán đâu, bởi vì ở ngay trạng thái đó, và ngay giây phút chánh niệm đó, bạn mới có tâm giống như tâm của một vị A La Hán mà thôi.

Ở mỗi tầng Thiền Minh Sát đều có những loại an lạc hạnh phúc khác nhau. ở tầng Thiền Minh Sát thứ nhất, thiền sinh cảm nhận được hạnh phúc của sự ẩn cư. Thiền sinh xa lánh được phiền não. Tâm thiền sinh được an trú vào một nơi an toàn, khỏi mọi chướng ngại và phiền não. ở tầng Thiền Minh Sát thứ hai, thiền sinh cảm nhận được sự hạnh phúc của sự định tâm, sự tập trung tâm ý tốt đẹp đem lại hỉ và lạc. ở tầng thiền thứ ba thì hỉ bị loại bỏ, chỉ còn hạnh phúc của sự an lạc thoải mái. ở tầng thiền thứ tư, tầng thiền cuối cùng, thiền sinh sẽ cảm nhận được hạnh phúc của trí tuệ. Dĩ nhiên, tầng thiền thứ tư là tầng thiền có hạnh phúc tốt đẹp và cao tột nhất. Tuy nhiên, cũng như ba tầng thiền đầu, hạnh phúc vẫn còn nằm trong thế giới của nhân duyên, thế giới của điều kiện. Chỉ khi nào thiền sinh vượt qua thế giới điều kiện này, lúc ấy mới đạt được chân an bình, hạnh phúc. Hạnh phúc này, tiếng Pẻẩi gọi là santisukha, có nghĩa là hạnh phúc tịch tịnh. Hạnh phúc tịch tịnh chỉ đến khi đối tượng của thiền và các hiện tượng của danh sắc cũng như tâm ghi nhận đều hoàn toàn dừng lại.

Mong rằng các bạn có thể nếm được hương vị của bốn loại hạnh phúc khởi sanh trong bốn tầng Thiền Minh Sát . Ðồng thời, cũng cầu mong các bạn tiếp tục theo đuổi chí hướng của mình để thưởng thức hương vị của hạnh phúc cao nhất, đó là hạnh phúc Niết Bàn.

Niết Bàn

Những hiểu lầm về Niết Bàn

Vấn đề Niết Bàn đã có nhiều tranh cãi. Biết bao nhiêu sách vở đã nói về vấn đề này. Một số người nghĩ rằng hạnh phúc của Niết Bàn liên quan đến một loại thân tâm đặc biệt. Nhiều người tin rằng Niết Bàn nằm ngay trong thân thể. Một số khác lại cho rằng khi thân tâm bị hủy diệt hoàn toàn, cái gì còn lại sau đó là những cốt tủy tinh túy của một hạnh phúc miên viễn.

Nhiều người đầy dẫy sự nghi ngờ khi bàn về Niết Bàn, và cho rằng nếu Niết Bàn là sự hủy diệt của danh sắc hay thân tâm, thì lấy cái gì để cảm nhận Niết Bàn? Thật khó mà hiểu được có một hạnh phúc đi ra ngoài sự hiểu biết của giác quan. Nghĩa là cái hạnh phúc mà ta không thể thấy được, không thể nghe được, không thể ngửi được, không thể nếm được, không thể sờ được, không thể nghĩ bàn được. Ðây là chuyện bất khả tư nghì. Những người không có kinh nghiệm về những hạnh phúc trong việc hành thiền thì không thể nào hiểu được.

Thật vậy, chỉ những người nào tự thân thưởng thức được hương vị của Niết Bàn mới có thể nói đến Niết Bàn một cách xác tín. Tuy nhiên, cũng có những cách suy đoán, diễn dịch về vấn đề Niết Bàn một cách rõ ràng đối với những người đã đạt được nhiều kinh nghiệm sâu xa trong việc hành thiền và đang vững tiến trên con đường đi đến Niết Bàn.

Những người nghĩ rằng Niết Bàn là một loại thân và tâm đặc biệt, sự suy nghĩ này cũng không vững và vô căn cứ. Có bốn loại chân đế mà chúng ta có thể kinh nghiệm một cách trực tiếp, không qua khái niệm, suy nghĩ, lý luận. Bốn loại chân đế này là: Sắc pháptâm vươngtâm sở và Niết Bàn. Như vậy, Niết Bàn không phải là danh, không phải là sắc, không phải vừa danh vừa sắc.

Ý niệm sai lầm thứ hai cho rằng Niết Bàn là phần còn lại sau khi thân tâm bị hủy diệt. Ðiều này cũng không đúng. Niết Bàn là chân đế, và được xếp loại là hiện tượng bên ngoài danh sắc chớ không phải là hiện tượng bên trong danh sắc. Như vậy, không có gì tồn tại trong cơ thể sau khi thân và tâm đã bị hủy diệt.

Niết Bàn cũng không thể kinh nghiệm qua các giác quan. Không thể dùng mắt để thấy, dùng tai để nghe, dùng mũi để ngửi, dùng thân để xúc chạm. Niết Bàn không phải là đối tượng của giác quan. Thế nên, không thể ghép vào một trong những lạc thú do giác quan đem lại dầu cho những lạc thú này có đặc biệt đến đâu chăng nữa. Niết Bàn là một hạnh phúc không liên quan gì đến ngũ căn, ngũ trần.

Ngay từ thời Ðức Phật đã có nhiều bàn cãi về bản chất của Niết Bàn. Một lần nọ một vị trưởng lão bàn cãi về hạnh phúc của Niết Bàn với một số các tỳ kheo khác trong chùa. Một thầy tỳ kheo đứng dậy thưa: “Bạch hòa thượng, nếu Niết Bàn không thể dùng ngũ quan để nhận biết thì có gì là hạnh phúc?”

Vị trưởng lão trả lời: “Chính vì không có cảm giác trong Niết Bàn cho nên nó mới là hạnh phúc thật sự.” Câu trả lời này chẳng khác nào một câu đố. Tôi không biết có ai trong các bạn trả lời được câu đố này không. Nếu bạn không tìm được câu trả lời, tôi sẽ lấy làm hoan hỉ trả lời cho bạn điều này.

Các Tai Hại Của Dục Lạc Ngũ Trần

Trước tiên, chúng ta hãy nói về dục lạc ngũ trần. Dục lạc ngũ trần thật là phù du và hư ảo, chợt đến rồi chợt đi. Phải chăng đó là hạnh phúc thật sự khi cứ mải săn đuổi một cái gì mong manh, chóng tàn, thay đổi luôn luôn.

Hãy nhìn xem biết bao nhiêu phiền toái khó khăn mà bạn gặp phải khi bạn cứ mãi đi tìm những cảm giác mới mẻ, lạ lùng mà bạn nghĩ rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn. Nhiều người quá ham muốn hưởng lạc thú nên đã có những hành vi phạm pháp, gây ra những tội ác tày trời khiến người khác phải đau khổ. Họ chỉ nghĩ đến lạc thú tạm bợ của giác quan mà quên đi sự đau khổ của người khác. Họ không hiểu được những hậu quả tai hại, những kết quả thảm khốc họ phải gặt hái sau này do những tội ác họ đã gây ra. Một số khác, khôn ngoan hơn, biết so sánh giữa những lạc thú phù du thoáng qua trong chốc lát với những hậu quả tai hại phải gặt hái sau này nên không chạy theo những cái tạm bợ hư ảo như thế.

Một người tinh tấn hành thiền sẽ thực sự nếm được hương vị của một thứ hạnh phúc ngọt ngào hơn hẳn mọi lạc thú do ngũ dục đem lại. Như chúng ta đã biết, mỗi tầng Thiền Minh Sát đều có sự an lạc hạnh phúc riêng. Tầng Thiền Minh Sát thứ nhất đem lại hạnh phúc của sự ẩn cư. Tầng thiền thứ hai đem lại hạnh phúc của sự định tâm. ở tầng thiền này, thiền sinh có nhiều hỉ. Tầng thiền thứ ba đem lại một sự vừa lòng, vi tế, nhẹ nhàng, tâm không còn dính mắc nhiều vào hỉ mà có lạc, đạt được sự an lạc, nhẹ nhàng, êm dịu hơn. Tầng thiền thứ tư là tầng thiền thâm sâu nhất. Ðó là hạnh phúc xả thọ. Bản chất của tầng thiền này là sự bình an tĩnh lặng. Tất cả bốn loại hạnh phúc này được gọi là hạnh phúc khước từ. Hạnh phúc trong sự xa rời các pháp bất thiện và phiền não.

Tuy nhiên, hạnh phúc bình an tĩnh lặng của Niết Bàn còn cao hơn hai loại hạnh phúc khước từ và hạnh phúc do ngũ dục đem lại. Bản chất của Niết Bàn hoàn toàn khác hẳn với hai loại hạnh phúc trên. Hạnh phúc của Niết Bàn chỉ thật sự đến khi thân tâm dừng nghỉ hoạt động. Ðó là hạnh phúc của sự diệt tắt đau khổ. Ðây cũng là một hạnh phúc độc lập không liên quan gì đến các đối tượng của giác quan. Thật vậy, Niết Bàn chỉ đến khi không còn sự tiếp xúc với mọi đối tượng của giác quan.

Nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc là sự hưởng thụ những cái gì về vật chất chẳng hạn như: vào những dịp nghỉ, tổ chức một bữa ăn ngoài trời, hoặc đi tắm hồ, hay đi dự tiệc, dự những buổi khiêu vũ, những buổi hoà nhạc. Họ làm sao hiểu được những hạnh phúc phi vật chất, những hạnh phúc vượt lên trên các loại hạnh phúc tầm thường cảm nhận từ giác quan. Ðối với họ, sự đẹp đẽ chỉ có ý nghĩa thật sự khi có mắt, có vật đẹp để ngắm. Họ cũng có thể nghĩ rằng nếu có mùi thơm mà không có mũi, không có thức nhận biết mùi, làm sao có thể hưởng được hương vị đó? Họ có thể băn khoăn, thắc mắc tại sao có người bày đặt ra cảnh Niết Bàn kỳ dị đến thế! Họ có thể lý luận rằng Niết Bàn là một cái chết thật kỳ bí, một điều thật kinh khủng. Con người rất sợ viễn ảnh về sự trống rỗng hư vô.

Một số khác nghi ngờ sự hiện hữu của Niết Bàn. Họ cho rằng Niết Bàn chỉ là giấc mơ của chàng thi sĩ, hoặc Niết Bàn chẳng là gì cả thì làm sao có thể tốt đẹp hơn những hạnh phúc của trần gian.

Niềm vui khó tả – Giấc ngủ của nhà triệu phú

Chúng ta hãy tưởng tượng rằng có một nhà triệu phú. Ông ta có thể hưởng được mọi lạc thú trần gian mà ông ta muốn. Một hôm, vị triệu phú đang ngủ say. Trong khi đó, người đầu bếp nấu xong thức ăn ngon lành và bày biện trên bàn. Thức ăn đã dọn sẵn và đã đến giờ ăn, nhưng vị chủ nhân còn ngủ say. E rằng đồ ăn sẽ nguội lạnh mất ngon nên người đầu bếp nhờ một người giúp việc vào đánh thức nhà triệu phú dậy. Bạn hãy thử đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu rằng nhà triệu phú vui vẻ bước xuống giường để ngồi vào bàn ăn, hay người giúp việc vắt giò lên cổ chạy để tránh cơn thịnh nộ của ông chủ sắp giáng xuống đầu?

Khi người triệu phú đang say giấc nồng thì chẳng còn biết gì đến hoàn cảnh chung quanh. Dầu cho phòng ngủ có được trang hoàng đẹp đẽ và nên thơ đến đâu thì ông ta cũng chẳng thấy được gì. Dầu tiếng nhạc lời ca có vang lừng đến tậng tầng mây; ông ta cũng như người điếc. Dầu hương thơm có ngào ngạt đến đâu chăng nữa thì ông ta cũng chẳng nhận ngửi thấy gì. Rõ ràng là khi ngủ ngon, thì dầu cho chiếc giường có êm ấm đẹp đẽ đến đâu, ông ta cũng chẳng hề biết đến. Khi ngủ ngon ông ta cũng chẳng có cảm giác hay biết mình nằm ở đâu.

Qua thí dụ trên, bạn có thể thấy rằng hạnh phúc của sự ngủ say chẳng liên quan gì đến các đối tượng của giác quan, hay pháp trần. Mọi người dù giàu hay nghèo đều cảm thấy thích thú sau khi thức dậy từ một giấc ngủ say. Chúng ta, ai cũng có thể có một số hạnh phúc an lạc nào đó khi ngủ ngon. Mặc dầu hạnh phúc an lạc này thật khó có thể diễn tả hay so sánh; tuy vậy, chúng ta cũng không thể nào phủ nhận cái hạnh phúc an lạc trong giấc ngủ say này. Cũng vậy, Ðức Phật hay những vị Thánh đã thấy rõ giáo pháp thì họ sẽ hiểu rõ một loại hạnh phúc khó diễn tả nhưng không thể phủ nhận được, và chúng ta có thể đoán chắc rằng nó có thật.

Nếu có được một giấc ngủ say, ngon triền miên, bạn có thích không? Những ai không thích một loại hạnh phúc đến từ giấc ngủ say như vậy thì khó có thể có gì để so sánh với Niết Bàn. Những ai không muốn cái hạnh phúc vượt ngoài kinh nghiệm của giác quan thì họ sẽ bị dính mắc vào lạc thú của ngũ trần. Sự dính mắc này do ở lòng tham ái, mà lòng tham ái là cội rễ của các đối tượng giác quan.

Gốc rễ của mọi rắc rối

Nếu chúng ta chịu khó để ý xem xét những điều xảy ra trên hành tinh này thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng mọi vấn đề trên thế gian có gốc rễ từ những ham muốn dục lạc ngũ trần. Vì con người muốn tiếp tục hưởng thụ hạnh phúc của dục lạc ngũ trần lâu dài nên gia đình thành hình. Gia đình thành hình thì mọi thành viên trong gia đình phải ra ngoài xã hội và phải làm quần quật suốt ngày để kiếm ăn chớ không thể ngồi uống nước lã nhìn nhau. Cũng vì nhu cầu hưởng thụ dục lạc mà gây ra những mối bất hoà trong gia đình. Cũng vì nhu cầu hưởng thụ dục lạc mà bạn bè hàng xóm không thể cư xử tốt đẹp, hoà thuận với nhau. Cũng vì dục lạc ngũ trần mà thị trấn này, thành phố nọ bất đồng ý kiến với nhau. Cũng vì dục lạc ngũ trần mà xứ này chống lại xứ kia, quốc gia này gây hấn, tranh chấp, tương tàn với quốc gia khác. Cũng vì dục lạc ngũ trần mà biết bao nhiêu điều khó khăn, đau khổ, xáo trộn, rối rắm, phiền toái xảy ra trên thế giới, rồi con người trở nên dã man, tàn ác, độc dữ và mất hẳn nhân tính.

Hát lên bài ca tán dương sự không cảm thọ

Nhiều người nói chúng ta được sanh làm người, những gì chúng ta có được là những lạc thú trên thế gian. Tại sao chúng ta đi hành thiền rồi đạt đến chỗ hư vô, chẳng có chút lạc thú trần gian nào cả? Ðối với những người như vậy, bạn có thể đặt cho họ một câu hỏi đơn giản: Anh hay chị có thể ngồi, ngồi hoài, ngồi mãi để xem một cuốn phim chiếu đi chiếu lại suốt ngày không? Anh hay chị có thể nghe hoài, nghe mãi giọng nói của người mình thương không? Nếu bạn nghe mãi cái giọng nói du dương êm ái đó, thì điều gì sẽ xảy ra? Bộ anh chị không chán sao? Dục lạc ngũ trần không phải là một cái gì đặc biệt đến nỗi bạn say mê hưởng thụ mà không cần một chút nghỉ ngơi, cứ tận hưởng, tận hưởng mãi không thôi?

Hạnh phúc vượt ra ngoài kinh nghiệm, vượt ra ngoài dục lạc vật chất thì cao thượng, tốt đẹp, êm đềm, tinh tế hơn mọi dục lạc ngũ trần khác. Trên đây, ta đã so sánh hạnh phúc của giấc ngủ ngon với hạnh phúc của Niết Bàn. Giấc ngủ chỉ là trạng thái tâm tiềm thức, hay luồng hộ kiếp. Lúc ngủ tâm rất nhẹ nhàng, vi tế. Bởi vì đối tượng của tâm lúc ngủ cũng nhỏ xíu, vi tế, nên khi ngủ dường như chúng ta không nhận biết được gì cả. Nhưng thật ra, hạnh phúc của Niết Bàn, hạnh phúc không tùy thuộc vào ngũ dục còn trăm ngàn lần tuyệt diệu hơn hạnh phúc có được trong lúc ngủ say.

Ðối với những vị A Na Hàm và A La Hán, những vị đã có kinh nghiệm thâm sâu về Niết Bàn, khi nhập vào diệt thọ tưởng định, họ đạt được sự dừng nghỉ lớn lao. ở đó không có thân hay tâm; không có tâm vương cũng không có tâm sở. Những hình thức vi tế nhất của thân cũng không hiện khởi. Khi vị A Na Hàm hay vị A La Hán bước ra khỏi trạng thái này, họ sẽ tán thán những hạnh phúc vượt ngoài kinh nghiệm giác quan.

Ðây là một phần của lời tán thán, “Kỳ diệu thay, Niết Bàn, nơi mà mọi đau khổ của thân tâm này hoàn toàn diệt hẳn. Khi mọi đau khổ vắng bóng, tâm ta an lạc thanh tịnh làm sao.”

Niết Bàn của chư Phật

Ðức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường đến nơi hạnh phúc tối thượng. Hạnh phúc tối thượng này là Niết Bàn. Tất cả Chư Phật đã và sẽ xuất hiện trên thế gian này đều nhằm mục đích chỉ cho chúng ta thấy rõ con đường đến Niết Bàn. Một trong những danh hiệu của Ðức Phật là Chánh Biến Tri (Samma sambuddha) Samma có nghĩa là hoàn hảo, đúng đắn, và Ðức Phật là kẻ độc nhất hiểu được bản chất thật sự của mọi vật, nghĩa là hiểu rõ thực tướng của tất cả mọi vật. Chân lý luôn luôn đúng. Con người không hiểu chân lý hay hiểu sai về chân lý, nhưng Ðức Phật không bao giờ sai lầm. Tiếp vĩ ngữ sam- có nghĩa là cá nhân, tự thân hay bởi chính mình, và buddha có nghĩa là giác ngộ. Ðức Phật giác ngộ bằng sự cố gắng của chính mình. Ngài không nhận lãnh sự giác ngộ từ một đấng quyền uy nào, và cũng không lệ thuộc vào bất kỳ một ai. Bởi thế, Niết Bàn mà chúng ta nói đến là Niết Bàn đã được Ðấng Chánh Biến Tri, Ðấng Ðại Giác công bố.

Thoát Khỏi Lo Âu Phiền Muộn

Một đặc tính khác của Niết Bàn là thoát khỏi lo âu phiền muộn. Phần lớn con người thường lo âu phiền muộn. Hãy tưởng tượng xem nếu không có phiền muộn lo âu thì tuyệt diệu biết mấy. Niết Bàn còn được gọi là viraga. Viraga có nghĩa là thoát khỏi bụi bặm và ô nhiễm. Như chúng ta biết, bụi bặm khiến mọi vật dơ bẩn và làm hại sức khỏe của chúng ta. Mối nguy hại lớn lao hơn nữa, đó chính là sự ô nhiễm của phiền não. Tâm ta luôn luôn bị đủ các loại phiền não quấy nhiễu. Tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, ngã mạn, tật đố, bỏn xẻn… Bị tràn ngập bởi những bụi bặm ô nhiễm như vậy thì tâm ta làm sao trong sạch thanh tịnh? Chỉ có Niết Bàn mới thật sự thoát khỏi mọi phiền não ô nhiễm.

An toàn tuyệt đối

Một đặc tính khác của Niết Bàn là khema hay an toàn, an ninh. Chúng ta phải luôn luôn đối đầu với muôn ngàn nguy hiểm. Tai nạn thảm khốc, kẻ thù chực chờ cơ hội làm hại, thuốc độc nguy hiểm, v.v… Trong thời đại khoa học siêu tối tân hiện nay, chúng ta luôn luôn sống trong nỗi lo âu sợ hãi về những mối hiểm nguy do các phát minh mới, những vũ khí hiện đại, tối tân đem lại. Nếu chẳng may chiến tranh xảy ra và vũ khí nguyên tử được đem ra xử dụng thì chúng ta sẽ chẳng có cơ hội sống còn. Không nơi nào chúng ta có thể trốn khỏi mọi hiểm nguy và bất an. Chỉ có Niết Bàn là nơi hoàn toàn thoát khỏi mọi mối hiểm nguy, nơi an toàn duy nhất.

Theo kinh điển, hạnh phúc của Niết Bàn là một loại hạnh phúc không pha lẫn phiền não. Trong hạnh phúc của ngũ dục luôn luôn chất chứa tham ái. Giống như khi nấu một món ăn, bạn phải nêm thêm gia vị, không có gia vị thì món ăn sẽ nhạt nhẽo vô duyên. Cũng vậy, hạnh phúc ngũ dục nếu không có tham ái, ước muốn, mong mỏi thì chẳng có ý nghĩa gì. Dầu có thức ăn ngon, có áo quần đẹp và có mọi khoái lạc trần gian khác, nhưng ta không muốn ăn, không muốn mặc, không muốn thưởng thức, thì những cái đó cũng trở thành vô dụng mà thôi. Tóm lại, chỉ có Niết Bàn là nơi hạnh phúc tuyệt diệu. Vì không còn trộn lẫn với các loại tạp nham khác nên Niết Bàn được gọi là parisuddhi sukha, có nghĩa là hạnh phúc trong sạch, tinh khiết.

Muốn có được hạnh phúc trong sạch tinh khiết này, chúng ta phải tu trì giới, định, huệ. Liên tục cố gắng giữ thân, khẩu, ý trong sạch, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc Niết Bàn .

Mong rằng các bạn sẽ luôn luôn nỗ lực tinh tấn hành thiền để đạt đến Niết Bàn, một hạnh phúc thanh khiết, trong sáng, an toàn, thoát khỏi mọi lo âu phiền muộn.

© 2024, Vi Diệu Pháp. All Rights Reserved. Designed & Developed by Davie Pham
Image