Thiền Sư Ajahn Chah

LỜI KHUYÊN CHUẨN BỊ CHO PHÚT LÂM CHUNG

LỜI KHUYÊN CHUẨN BỊ CHO PHÚT LÂM CHUNG

 

LỜI KHUYÊN CHUẨN BỊ CHO PHÚT LÂM CHUNG.

Thiền Sư AJAHN CHAH.

( Sau đây là những lời khuyên đơn giản nhưng sâu sắc mà Thiền Sư Ajahn Chah dành cho một đệ tử lớn tuổi của mình khi cô cận kề với cái chết.)
Hôm nay tôi không mang đến cho bạn bất kỳ một món quà gì về mặt vật chất, mà tôi sẽ tặng bạn món quà Pháp bảo, những lời dạy của Đức Phật.

Hãy nghe cho kỹ đây, bạn của tôi.

Bạn nên hiểu rằng ngay cả đối với Đức Phật, Đấng đã tích lũy công đức và phước báu trong vô lượng kiếp cũng không thể tránh được cái chết về mặt thể xác.

Khi đến tuổi già, Ngài đã từ bỏ thân xác của mình như buông bỏ một gánh nặng.

Giờ đây, bạn cũng phải học để hài lòng với ngần ấy năm bạn đã chung sống với thân xác này.

Bạn nên cảm thấy rằng như vậy là đã đủ.

Bạn có thể so sánh thân xác này như một món đồ gia dụng mà bạn đã sử dụng trong một thời gian dài như chén, bát, tách, dĩa, … vv.

Lần đầu tiên khi bạn có chúng, chúng sạch sẽ, tinh tươm và sáng bóng biết bao, nhưng bây giờ sau khi sử dụng một thời gian quá lâu, chúng bắt đầu sứt mẻ và hư hao. Một số bị hỏng, một số biến mất và những món còn lại đang dần trở nên tệ hại và hoạt động không ổn định.

Bản chất của chúng là như thế.

Cơ thể của bạn cũng vậy.

Nó đã liên tục thay đổi ngay từ khi bạn mới sinh ra, qua thời thơ ấu và tuổi trẻ, cho đến bây giờ nó đã đến tuổi già.

Bạn phải chấp nhận điều đó.

Đức Phật nói rằng đó là các hành (sankharas), là chu kỳ phát triển.

Cho dù đó là nội tại của một sự vật, cơ thể con người hoặc là các sự việc bên ngoài… bản chất của mọi vật là thay đổi, là vô thường.

Hãy chiêm nghiệm về sự thật này cho đến khi bạn hiểu nó rõ ràng.

*****Phân biệt giữa thân và tâm.

Thân xác nằm đây đang suy tàn được gọi là saccadhamma, là sự thật, là diệu pháp và là giáo lý không thay đổi của Đức Phật.

Đức Phật dạy chúng ta phải nhìn vào cơ thể để chiêm nghiệm và thấu hiểu bản chất vô thường của vạn vật.

Chúng ta phải chấp nhận cơ thể này cho dù là khi nó còn trẻ trung tươi mát hay là già nua yếu đuối và bệnh tật.

Đức Phật dạy chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức nhận biết rằng chỉ có cơ thể này đang bị cầm giữ bởi lẽ vô thường, bởi sinh lão bệnh tử; chứ không phải là tâm ta.

Giờ đây khi cơ thể của bạn đang xuống dốc và trở nên già đi, hãy luôn tỉnh giác để tâm bạn vẫn luôn trẻ trung tươi mới, không bị tàn tạ vì năm tháng như cơ thể của bạn.

Hãy tách biệt thân và tâm của bạn.

Hãy tiếp sức cho tâm hồn của bạn bằng cách nhận ra sự thật về lẽ vô thường đang diễn ra trên cơ thể đang già đi này chứ không phải tâm của bạn.

Tâm của bạn vẫn có thể luôn trẻ trung, tinh khôi và tươi mới.

Đức Phật dạy rằng đây là bản chất của cơ thể, không có cách nào khác.

Sinh, Lão, Bệnh và Tử, bạn đang trải nghiệm sự thật vĩ đại đó.

Hãy nhìn vào cơ thể của bạn với con mắt trí huệ và nhận ra sự thật.

Giả sử khi căn nhà của bạn bị ngập nước, hỏa hoạn, hay bất kỳ một mối nguy hiểm nào đang đe dọa nó, chỉ là cái xác nhà bị đe dọa hủy hoại, không phải tâm của bạn.

Nếu có một trận lụt, đừng để tâm trí của bạn bị nhấn chìm theo ngôi nhà.
Nếu có hỏa hoạn, đừng để nó đốt cháy luôn trái tim của bạn.

Hãy để cho ngôi nhà, là vật ngoại thân, chịu đựng những điều đó, lũ lụt, hỏa hoạn, thiên tai… để cho tâm bạn được an nhiên và tự do khỏi những ràng buộc của bám chấp.

Việc gì đến sẽ đến đúng vào lúc nó phải đến.

Không mong cầu cũng đừng sợ hãi.

Bạn đã sống trên cõi đời này đủ lâu để đôi mắt của bạn thưởng ngoạn những cảnh tượng, màu sắc đẹp đẽ, yêu kiều và ngoạn mục cũng như chứng kiến những điều tồi tệ, đáng buồn hay xấu xí.

Tai của bạn cũng đã từng nghe qua những âm thanh du dương êm dịu, trìu mến cũng như những tiếng chói tai và làm bạn khổ sở.

Từ đó, bạn có một số kinh nghiệm.

Và tất cả những điều đó chỉ là kinh nghiệm.

Bạn đã từng nếm qua những món ăn ngon và vị ngon chỉ là vị ngon, chỉ vậy thôi.
Các vị đắng và dở chỉ là khẩu vị khó chịu. Đơn giản là như vậy.

Đức Phật nói rằng giàu hay nghèo, già hay trẻ, con người hay động vật, loài hữu tình hay vô tình trong thế giới này; tất cả mọi thứ đều thay đổi và vô thường.

Đây là một thực tế của cuộc sống mà chúng ta phải chấp nhận.

Nhưng Đức Phật cũng nói rằng chúng ta hãy chiêm nghiệm thân và tâm để thấy được vô ngã.

Không có cái gì là “tôi” hay “của tôi” ở đây cả.

Mọi việc ta thấy chỉ là tạm thời. Giống như ngôi nhà này: trên danh nghĩa nó là của bạn, nhưng bạn lại không thể mang nó theo đến bất cứ đâu.

Cũng vậy, tài sản “của bạn”, sự giàu có “của bạn” và gia đình “của bạn”, tất cả đều là trên danh nghĩa, chúng thực sự không có vật gì là của bạn.

Chúng không thực sự thuộc về bạn.

Không chỉ bạn mới đối diện với sự thật này, kể cả Đức Phật và các đệ tử đã giác ngộ của Ngài cũng thế.

Nhưng họ khác với chúng ta là vì họ tôn trọng và chấp nhận sự thật này như là bản chất của chúng và không tìm cách tránh né.

***** Đừng mong quy luật sẽ không xảy ra với bạn.

Đức Phật dạy chúng ta hãy kiểm tra toàn bộ thân này, từ chân lên đến đỉnh đầu, rồi sau đó kiểm tra lại một lần nữa từ đỉnh đầu xuống chân để xem thân này có những gì?

Có bất cứ yếu tố nào có bản chất trong sạch không?

Bạn có tìm thấy được bất kỳ điều gì mang tính vĩnh hằng không?

Toàn bộ cơ thể này đang dần bị thoái hóa và Đức Phật nói rằng cả thân này cũng không thuộc về chúng ta, ta nên biết điều đó.

Cơ thể chúng ta phát triển và thoái hóa, bị chi phối bởi luật vô thường.

Làm sao ta có thể mong nó khác đi được?

Thực ra khi cơ thể của bạn trở nên già đi và thoái hóa như thế này, không có gì sai hay là trục trặc cả, mà đó là quy luật tự nhiên.

Vì thế đừng vọng tưởng sai lầm và lấy đó làm đau khổ.

Khi tâm ta vọng tưởng, chúng sẽ dễ dàng đưa ta đến vô minh.

Giống như nước sông luôn chảy xuống chỗ thấp hơn thay vì chảy ngược lên, đó là quy luật tự nhiên.

Nếu một người đứng bên bờ sông, thấy nước chảy xuôi dòng lại u mê kỳ vọng nó chảy ngược về đầu nguồn, anh ta sẽ thấy vô vọng và cực kỳ đau khổ vì những suy nghĩ sai lầm đó.

Cho dù anh ta có làm gì đi chăng nữa, những sai lầm vọng tưởng sẽ không để cho tâm anh ấy một phút an lành.

Nếu anh ta có hiểu biết và chánh kiến, anh sẽ thấy rằng nước chắc chắn phải chảy xuống dốc.

Chừng nào anh ta chưa nhận ra và chấp nhận thực tế này, anh ta vẫn còn bị rơi vào khủng hoảng và đau buồn.

Dòng sông phải chảy xuống dốc; giống như cơ thể của bạn vậy.

Nó đã từng trẻ trung, xinh đẹp và tràn đầy sức sống, giờ đây cơ thể của bạn trở nên già nua, đi ngang qua những đoạn gập ghềnh và hướng về sự chết.

Đừng mong muốn nó sẽ khác đi, hay ít ra là sẽ không xảy đến với bạn.

Bạn không có năng lực để quay ngược thời gian.

Đức Phật khuyên chúng ta hãy nhận biết bản chất của sự sự vật rồi buông bỏ những chấp thủ của chúng ta đối với sự vật trên thế gian này.

Hãy nương tựa và ẩn náu nơi sự buông xả.

Hãy thiền định ngay cả khi bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.

Hãy để tâm trí của bạn hòa nhịp với hơi thở.

Hít thở sâu và sau đó để tâm vào hơi thở bằng cách niệm Phật hoặc các câu chú.

Hãy thực hành điều này thường xuyên.

***** Buông xả tất cả các sự vật bên ngoài.

Khi càng cảm thấy kiệt sức, bạn càng phải nên tập trung định tâm cao độ để có thể đối phó với những cảm giác đau đớn về thể xác đang phát sinh.

Khi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bạn nên tập trung tất cả các suy nghĩ của bạn lại một chỗ và dừng chúng lại, để cho tâm trí lắng đọng, và rồi tập trung vào hơi thở.

Chỉ cần tập trung niệm Phật.

Buông bỏ hết tất cả mọi sự.

Đừng bị phân tâm bởi những suy nghĩ hay lo lắng về con cái, họ hàng hay bất cứ điều gì khác.

Buông xả hết!

Hãy để cho tâm bạn tập trung vào một điểm duy nhất, làm cho thân và tâm bạn trở nên một nhờ vào việc quán sát hơi thở, và chỉ quán sát hơi thở mà thôi.

Tập trung cho đến khi tâm bạn ngày càng trở nên tinh ròng, lắng đọng, cho đến khi bạn cảm thấy quen thuộc với cảm giác này và thấy nó bình thường.

Lúc đó sự tỉnh giác và sáng tỏ sẽ xuất hiện bên trong bạn, rồi các cảm giác đau đớn sẽ dần dần tự biến mất.

Cuối cùng bạn sẽ thấy hơi thở đến với bạn thân thiện như thể là một người thân quen đến viếng thăm.

Khi người thân ấy đi, ta tiễn họ và đứng nhìn họ đi xa khuất hoặc lên xe và rời đi.

Rồi chúng ta trở lại vào trong nhà.

Chúng ta quán sát hơi thở theo cùng một cách như vậy.

Nếu hơi thở nặng nề, chúng ta biết rõ chúng nặng nề.

Nếu hơi thở của ta nhẹ nhàng, chúng ta biết chúng nhẹ nhàng.

Khi hơi thở của bạn trong lúc thiền định ngày càng đều đặn và hòa nhịp với việc thiền định sâu hơn, cứ tiếp tục như thế, trong khi giữ tâm mình tỉnh giác.

Cuối cùng ý thức về nhịp hít thở ra vào sẽ biến mất (nghĩa là bạn không còn để ý đến chúng nữa mà hít thở một cách tự nhiên như ta vẫn thường hít thở mỗi ngày không cần đếm hay lưu tâm) và chỉ còn ý thức về sự tỉnh giác, hay còn gọi là Biiddlio, ai đạt đến cảnh giới này là người tỉnh giác, kẻ chói sáng.

Đó là sự hòa nhập, khai mở Phật Tính, tuy có sẵn nhưng ẩn sâu trong ta, với trí huệ và sự rõ ràng trong tâm trí.

Trong lịch sử chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc toàn giác thực sự nhập Niết Bàn.

Còn chúng ta đang trên con đường tìm kiếm sự giác ngộ; cũng có thể có những trải nghiệm về Phật tính, Niết bàn tùy theo mức độ thực hành mà ta đạt được.

***** An Nhiên Tự Tại.

Khi đang thực hành thiền định, cho dù bạn thấy hình ảnh đẹp rực rỡ, âm thanh du dương như tiếng Phạm âm, hãy cứ để chúng tự đến rồi tự đi, còn tâm ta vẫn giữ an nhiên tự tại, đừng bám chấp vào bất cứ điều gì.

Hãy buông xả và đặt mọi thứ xuống, tất cả mọi thứ, chỉ tập trung an trú trong sự tỉnh giác bất nhị trong tâm.

Đừng lo lắng về quá khứ hay tương lai.

Chỉ cần an nhiên tự tại, bạn sẽ đạt đến cảnh giới không tăng tiến, thoái chuyển hay ngăn ngại, và cũng không còn gì để bám chấp.

Tại sao?

Bởi vì cái tôi này thực sự không có, và bạn đang ở trạng thái tỉnh giác nên cảm nhận và hiểu được điều này một cách chính xác, rõ ràng nhất.

Đức Phật dạy chúng ta nhận biết tánh Không trong mọi sự vật theo cách này, đừng bám chấp, đừng nặng lòng cũng đừng mang theo điều gì trong tâm trí.

Để đạt được cảnh giới này, hãy buông xả.

Việc nhận biết Giáo Pháp, con đường dẫn đến giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta phải tự làm một mình.

Vì vậy, hãy cố gắng buông xả mọi thứ và học hiểu lời Phật dạy.

Thực sự chí thành nỗ lực chiêm nghiệm và thực hành.

Đừng lo lắng về gia đình của bạn.

Tại thời điểm này họ là họ; trong tương lai họ sẽ được như bạn.

Không có ai trên thế giới này có thể thoát khỏi số phận.

Đức Phật dạy chúng ta đặt mọi thứ vô thường xuống.
Khi bạn buông xả, bạn sẽ thấy chân lý và sự thật.

Còn không thì sẽ không thể.

Đó chính là con đường mà mọi người trên thế giới này phải đi qua nếu muốn đạt được sự Giác Ngộ.

Vì vậy, đừng lo lắng và đừng bám chấp vào bất cứ điều gì.

Thiền Sư Ajahn Chah .
(Việt dịch: Diệu Liên Hoa)
*******
Ajahn Chah (1918-1992) là một cao tăng Phật giáo người Thái Lan, thuộc dòng tu khổ hạnh trong rừng của Thượng tọa bộ.

© 2024, Vi Diệu Pháp. All Rights Reserved. Designed & Developed by Davie Pham
Image