VUA LƯU LY VÀ DÒNG HỌ THÍCH CA.
Thời xưa vua Ba Tư Nặc rất quý dòng họ Thích nên đòi cưới con gái dòng họ này. Bấy giờ Thích Ma Ha Nam mới đem cô gái con của người nô tỳ dâng cho vua. Vua rất hài lòng và sanh hạ được một thái tử đặt tên là Lưu Ly. Khi còn nhỏ, Thái tử Lưu Ly được gửi sang dòng họ ngoại để học bắn cung cùng với năm trăm trẻ con dòng họ Thích.
Một hôm, dòng họ Thích chuẩn bị mời Thế tôn vào cúng dường và thuyết pháp trong một giảng đường mới xây cất rất khang trang. Thái tử Lưu Ly dắt năm trăm đứa trẻ cùng học vào giảng đường này và leo lên ngồi vào tòa sư tử dành sẵn cho đức Phật. Những người dòng họ Thích trông thấy như vậy rất tức giận, lôi thái tử Lưu Ly xuống đánh một trận rồi mắng chửi thậm tệ nói là đồ con của người nô tỳ.
Thái tử khi đó nói với cận vệ của mình là Hiếu Khổ rằng: “Họ Thích hủy nhục ta đến như thế này, sau này nếu ta có nối ngôi vua thì ngươi nên nhắc lại chuyện này để ta báo hận”. Từ đó, mỗi ngày Hiếu Khổ tâu với thái tử ba lần là hãy nhớ mối nhục từ dòng họ Thích. Khi vua Ba Tư Nặc qua đời, Thái tử Lưu Ly nối ngôi vua, Hiếu Khổ lại nhắc vua mối nhục trước. Vua Lưu Ly bèn tập hợp bốn bộ binh để đi chinh phạt dòng họ Thích. Các Tỳ kheo nghe được như vậy liền thưa lên đức Phật. Đức Phật đến ngồi nơi một gốc cây khô trụi lá nằm bên vệ đường nơi Vua Lưu Ly sẽ đi qua. Từ đằng xa trông thấy, vì rất kính trọng đức Phật nên vua xuống ngựa và đến thưa:
- Có những cành cây lá xum xuê tươi tốt như loại cây ni câu lưu... sao Ngài không đến đó ngồi mà lại ngồi dưới cây khô này?
Đức Phật đáp: “Bóng mát của thân tộc là hơn hẳn bóng mát của các loại cây bên ngoài”. Tức là Phật đề cao thân tộc cho vua Lưu Ly biết. Vì vua là họ ngoại với dòng họ Thích, còn Hiếu Khổ chỉ là người dân ngoài thân tộc. Vua Lưu Ly hiểu được ý của đức Phật nên trở về nước, không chinh phạt thành Ca Tỳ La Vệ nữa.
Nhưng khi vua kéo bốn bộ binh trở về thì cận thần Hiếu Khổ lại nhắc mối nhục trước và vua lại nổi giận lên, đem quân đi chinh phạt tiếp. Các thầy Tỳ kheo lại bạch lên Thế tôn và cũng giống như lần trước, đức Phật ngồi dưới cội cây khô trên đường vua Lưu Ly sẽ đi qua. Vua Lưu Ly thấy đức Phật liền xuống ngựa và đến bạch rằng:
- Lại có những cội cây tốt Ngài không đến ngồi mà hôm nay, vì cớ gì Ngài lại ngồi dưới cội cây khô này?
Đức Thế Tôn đáp: “Bóng mát của thân tộc là hơn người ngoài” và nói bài kệ:
“Bóng mát của thân tộc
Từ họ Thích có Phật
Đều là cành lá ta
Nên ngồi dưới cây ấy”.
Vua Lưu Ly nghĩ “Ngày nay đức Thế Tôn phát xuất từ dòng họ Thích, ta không nên chinh phạt”, nên đem quân quay trở về nước. Khi quay trở về thì lần thứ ba Hiếu Khổ lại nhắc mối nhục xưa, vua Lưu Ly nghe nổi giận và triệu tập bốn bộ binh tiếp tục đi đánh dòng họ Thích. Phật thấy hai lần ngăn cản mà không được nên lần này Ngài không cản nữa. Lúc bấy giờ, Ngài Mục Kiền Liên là đệ tử có thần thông đệ nhất xin Phật cho Ngài dùng thần thông để cứu dòng họ Thích, bằng cách dời dòng họ Thích sang phương khác tránh nạn.
Đức Phật bảo: Thầy có thể đem túc duyên của dòng họ Thích ném sang phương khác được không?
Ngài Mục Kiền Liên đáp: Thật không thể đem túc duyên đặt vào thế giới phương khác được.
Đức Phật nói: Thôi thầy hãy về chỗ ngồi đi.
Ngài Mục Kiền Liên bạch Phật: Nay con có thể dời thành Ca Tỳ La Vệ này để lên hư không để tránh cái nạn này.
Đức Thế Tôn hỏi: Thầy có thể dời túc duyên dòng họ Thích để trên hư không được chăng?
Ngài Mục Kiền Liên đáp: Thưa không, bạch Thế Tôn.
Đức Phật nói: Vậy thầy hãy về chỗ mình đi.
Ngài Mục Kiền Liên rất nhiệt tình bạch Phật một lần nữa: Bạch Đức Thế Tôn, cho phép con lấy cái lồng sắt thưa chụp lên thành Ca Tỳ La Vệ thì vua Lưu Ly không đến được.
Đức Thế Tôn bảo: Thế nào Mục Kiền Liên? Thầy có thể lấy lồng sắt thưa để mà chụp lên túc duyên chăng?
Ngài Mục Kiền Liên đáp: Thưa không, bạch Thế tôn.
Lúc bấy giờ, đức Phật mới bảo Ngài Mục Kiền Liên: Nay thầy hãy trở về chỗ ngồi đi, hôm nay họ Thích túc duyên đã chín muồi và nay sẽ thọ báo.
Có chỗ khác chép lời đức Phật nói: Này Mục Kiền Liên, ta biết ông có khả năng trí đức che chở cho nước Xá Di, nhưng chúng sanh có bảy việc không thể tránh khỏi. Đó là: sanh, già, bệnh, chết, tội, phước và nhân duyên. Bảy điều này dù ta muốn tránh cũng không thể được. Dù oai thần của ông có thể làm được chuyện đó, nhưng túc nghiệp tội lỗi làm sao tránh được.
Và cuối cùng, vua Lưu Ly vào thành giết dòng họ Thích.
Ngài Mục Kiền Liên tuy đã được Phật nói về túc duyên không thể tránh, nhưng vì nóng lòng không thể ngồi yên nên Ngài đã dùng thần thông thu 500 người của dòng họ Thích vào trong cái bát của ngài và bay sang phương khác. Sau khi trận chiến kết thúc, Ngài mở cái bát ra thì 500 người họ Thích đã hóa thành máu.
Trong Kinh diễn tả người dân trong thành Ca Tỳ La Vệ chết máu chảy thành dòng sông. Đức Phật quán sát vua Lưu Ly vì gây nghiệp tàn sát quá nặng nên sẽ chịu quả báo trong thời gian không lâu nữa. Ngài báo trước cho các Thầy tỳ kheo rằng: “Nay vua Lưu Ly và quân lính này sẽ chẳng còn ở đời bao lâu nữa, sau bảy ngày sẽ bị tiêu diệt hết”, có nghĩa là phải thọ báo và chịu chết. Vua Lưu Ly nghe Phật nói về quả báo thì rất tin và lo sợ, bảo các quần thần coi xem bên ngoài lý do chết của mình có phải là trộm giặc, nước, lửa, tai biến xâm phạm hay không. Các quần thần thưa là không có các nạn đó. Phạm chí Hiếu Khổ khuyên vua cứ yên tâm mà vui chơi, đừng nên lo sợ. Nhưng vua tin lời đức Phật nói là không sai nên đếm từng ngày và lo sợ. Tính qua sáu ngày mà chưa có hề hấn gì, đến buổi sáng ngày thứ bảy vẫn không có vấn đề gì cho nên vua rất mừng rỡ.
Vì không kềm nổi nên vua dẫn các cung nữ đến bên bờ sông Ca Di Na vui chơi rồi nghỉ ở đó. Bất ngờ nửa đêm mây kéo đến, gió to mưa lớn và mọi người không thể rút lui kịp cho nên bị nước cuốn trôi hết, tất cả đều bị chết và đọa vào địa ngục A tỳ. Những người thân của vua còn ở trong thành không đi chơi, đêm đó cũng bị sét đánh và cháy hết cả cung điện. Các Thầy tỳ kheo thấy dòng họ Thích bị tàn sát như vậy cho nên mới thưa hỏi về túc duyên.
Bấy giờ, Đức Phật bảo các thầy Tỳ kheo: Ngày xưa trong thành La Duyệt có một làng đánh cá. Khi ấy đời sống hết sức đói nghèo và người dân phải ăn rễ cây, một đấu vàng đổi được một đấu gạo. Trong làng có một cái ao tắm rất nhiều cá, dân trong làng đều đến bắt cá để ăn.
Dưới ao có hai loại cá, một loại tên là Câu Tỏa và loại thứ hai tên là Lưỡng Thiệt. Hai loại cá này bị bắt ăn như vậy nên hai con cá đầu đàn mới bảo với nhau: “Chúng ta đối với những người này trước tiên không có lỗi lầm, tại họ ở trên đất bằng còn ta ở dưới nước, nhưng nhân dân này lại ăn nuốt chúng ta. Nếu sau này có một chút phước đức gì thì chúng ta sẽ dùng nó để báo oán trở lại”.
Lúc bấy giờ trong làng có một đứa bé mới 8 tuổi không đánh cá, cũng không hại mạng của cá, nhưng lúc thấy những người khác đánh giết cá và thấy con cá bị chết trên bờ thì đứa bé này hết sức hoan hỷ.
Cuối cùng, đức Phật kết luận rằng: “Tỳ kheo nên biết, các Thầy chớ xem rằng nhân dân trong thành La Duyệt Kỳ bấy giờ là ai khác, nay họ chính là những người trong dòng họ Thích, con cá Câu Tỏa hồi đó, nay là vua Lưu Ly, và con cá Lưỡng Thiệt nay là phạm chí Hiếu Khổ. Đứa bé thấy cá chết trên bờ mà vui thích lúc đó, nay chính là ta.
Dòng họ Thích lúc ấy là người dân ngồi ăn cá, do nhân duyên này nên vô số kiếp vào địa ngục, nay chịu sự trả thù này. Ta lúc ấy vì thấy cá chết mà hoan hỷ vui cười cho nên nay bị quả báo đau đầu giống như đá đè, ví như lấy đầu mà đội núi Tu Di vậy”.
Cuối cùng Đức Phật khuyên các Thầy tỳ kheo nên giữ gìn hành động của thân, miệng và ý.