Để đạo Phật được toàn cầu hóa, ngoài những lợi thế sẵn có của Phật giáo Nguyên thủy, như bảo tồn được cái tinh túy trong kinh điển Phật giáo, thì sự cởi mở trong một số luật tắc cho thích hợp với chư tăng trong thời hiện đại là điều cần nên lưu tâm.
Dẫn Nhập
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam thế kỷ đầu Tây lịch.[1] Tại Việt Nam, ngoài Phật giáo Đại thừa, Phật Giáo Nam tông có hai hệ phái chính: Phật Giáo Nam tông Khmer và Phật Giáo Nam tông người Kinh, cả hai chủ yếu được thịnh hành ở vùng Nam - Trung Bộ.
Chúng ta được biết: “Phật giáo Nam tông được truyền vào Việt Nam theo con đường của các nhà truyền giáo từ Ấn Độ đi theo đường biển tới Tích Lan (Srilanca), Miến Điện (Myanma), Thái Lan tới vùng sông Mê Kông (Campuchia) và vào vùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (phía Nam) của Việt Nam, được đông đảo người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer đón nhận, trở thành tôn giáo của người Khmer, do đó gọi là Phật giáo Nam tông Khmer”...
“Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm (vào khoảng thế kỷ thứ IV). Đến thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đại bộ phận các Phum (xóm), Sóc (nhiều xóm hợp thành) của người Khmer đều có chùa thờ Phật. Tính đến tháng 6/2010, Phật giáo Nam tông Khmer đã có 452 ngôi chùa với 8.574 vị sư (=19,3% tổng số sư trong cả nước), tập trung chủ yếu ở 9 tỉnh (thành phố) Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau”.[2]
Phật giáo Nam tông người Kinh phát triển chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Thừa Thiên – Huế. Ngôi chùa Phật giáo Nam tông được Hòa thượng Hộ Tông và nhóm Phật tử Cụ Nguyễn Văn Hiểu xây dựng đầu tiên tại Sài Gòn – Gia Định là Tổ đình Bửu Quang, năm 1938. Khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20, Phật giáo Nam tông người Kinh có mặt tại Sài Gòn – Gia Định. Đó là các nhà sư người Việt sang Campuchia tu học và trở thành những đoàn truyền giáo Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên tại Việt Nam bao gồm: Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Huệ Nghiêm.[3]
Riêng ở Huế, Phật giáo Nam tông có mặt từ năm 1954, bắt đầu bằng việc thành lập chùa Tăng Quang, do hòa thượng Hộ Tông và hòa thượng Giới Nghiêm tạo dựng. Mặc dù nói là ngôi Chùa nhưng thật chất đó chỉ là ngôi nhà tranh thô sơ để làm nơi tiếp tăng độ chúng và thuyết pháp giảng kinh cho quý Phật tử tại xứ cố đô này.[4]
Khái Niệm “Phật Giáo Nguyên Thủy”
Để hiểu đúng hơn về tông phái này, chúng ta tìm hiểu khái niệm “Phật giáo Nguyên thuỷ”. Mặc dù có mặt khá sớm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi Phật giáo bản địa chỉ có ảnh hưởng tại vùng miền Bắc, thì tại vùng Chân Lạp (Miền Nam Việt Nam) Phật giáo Nam tông đã tiếp nhận được các đoàn truyền giáo từ các nhà sư Ấn Độ truyền sang.[5]
Hiện nay, có hai danh xưng phổ biến chỉ cho Phật giáo Nguyên thủy này: Phật giáo Nam truyền hay Phật giáo Nam tông (chỉ chung cho Phật giáo Nam tông người Việt cũng như Khmer). Ngoài ra, Phật giáo Nam tông còn được gọi là Phật giáo Theravada, Phật giáo Tiểu thừa.
Đa phần người học Phật bình dân hầu như không có khái niệm về Phật giáo Nam truyền hay Bắc truyền, Nam tông - Bắc tông, Đại thừa - Tiểu thừa. Quần chúng thường đơn thuần hiểu rằng các nhà sư (Nam - Bắc tông) là những người tu theo đạo Phật, mặc dù phần lớn Phật tử Việt Nam đều tu học theo truyền thống Đại thừa hay Phật giáo Bắc truyền, từ giáo lý đến nghi lễ. Từ khi Phật giáo Nam tông được phổ biến trên đất nước Việt Nam thì nhu cầu nghiên cứu, học tập, đối chiếu và tìm hiểu trường phái Phật giáo này ngày càng được phổ cập.
Thuở nhỏ, nhìn hình thức một nhà sư Nguyên thủy, nhất là những vị sư Khmer, tôi nghĩ người tu theo Phật giáo Khmer thì phong cách khác người tu Phật của Việt Nam, và càng đơn giản hơn khi nghĩ rằng, chỉ có người Khmer mới những hình thức như thế. Sau này, khi lớn lên, được xuất gia tu học chung với các vị sư Nguyên thủy người Kinh, tôi mới bắt đầu có khái niệm về một Trường phái khác trong Phật giáo.
Kể từ cuộc kết tập kinh điển lần II, khoảng 100 sau Phật Niết-bàn, tại Hoa Thị Thành (Pataliputra), thủ đô nước Ma Kiệt Đà (Magadha), sự phân chia bộ phái xuất hiện. Hai tông phái, hay hai khuynh hướng được hình thành rõ rệt trong lần kết tập này là Đại chúng bộ (Mahasanghika) và Thượng tọa bộ (Theravada).
Thượng tọa bộ chủ trương: giữ gìn lề lối nguyên tắc cổ xưa, không có sự thay đổi nào từ hình thức đến nội dung, nên thường được gán là phái bảo thủ. Trong bộ phái này phần lớn thành viên của giáo hội là những bậc trưởng lão nên còn gọi là Thượng tọa bộ hay Trưởng lão bộ.
Đại chúng bộ có khuynh hướng cởi mở, cấp tiến, thay đổi chút ít về giới luật, cải đổi để thích nghi với thời cuộc. Thành viên của giáo hội này đa phần là những Tỳ kheo trẻ, nên gọi là Đại chúng bộ. Bên cạnh đó còn có sự bất đồng về quan điểm liên hệ đến nhân cách của các vị A La Hán. Những Tỳ Kheo trẻ ủng hộ quan điểm Năm tân thuyết của Đại Thiên (Maha Deva). Đây là khởi đầu cho sự phân chia bộ phái, manh nha của khuynh hướng cấp tiến, mà về sau đã góp phần hình thành các tông phái Đại thừa nhập thế.
Hàng thế kỷ bất đồng quan điểm, dẫn đến nhiều sự tranh cãi và phân chia ra nhiều tông phái và nhiều tên gọi khác nhau. Có khi Phật giáo Nguyên thủy được gọi là Phật giáo Theravada, khi thì gọi Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Nam truyền (Nam tông)… Dĩ nhiên những danh xưng này rất có thể “được” các tông phái khác trong Phật giáo “gắn” cho, nhằm phản ánh cho một giai đoạn phát triển của một trường phái Phật giáo trong lịch sử.
Để hiểu rõ thêm về các danh xưng này, chúng tôi trích một vài đoạn giải thích, phân tích mà người viết cảm thấy phản ánh tương đối chính xác về cách dụng từ.
“Nhiều người gọi gia đình Phật giáo Theravada là “Phật giáo Nguyên thủy”, thế nhưng, gia đình Phật giáo Theravada chỉ đại diện cho một học phái duy nhất trong số các học phái Phật giáo Nguyên thủy mà thôi. Tóm lại là phải hiểu Phật giáo Nguyên thủy là Giáo Huấn do chính đức Phật thuyết giảng, hoặc là toàn bộ Phật giáo gồm nhiều học phái khác nhau đã phát triển trong khoảng thời gian sau khi Đức Phật tịch diệt cho đến thế kỷ thứ I, tức là trước khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện. Phật giáo Theravada không thuộc vào một trong hai trường hợp này, do đó không thể gọi Phật giáo Theravada là Phật giáo Nguyên thủy được.
Các thuật ngữ như “Phật giáo Nam tông” hay “Phật giáo Nam truyền” cũng thường thấy được sử dụng để gọi gia đình Phật giáo Theravada. Thế nhưng các thuật ngữ này vừa thiếu chính xác lại vừa không phù hợp với các dữ kiện lịch sử và địa lý liên quan đến gia đình Phật Giáo này. Lý do cũng thật dễ hiểu là về phương bắc Phật giáo Theravada cũng đã được đưa vào Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, và về phương nam thì mãi đến thế kỷ XI Phật giáo Theravada mới bắt đầu được đưa từ Tích lan vào Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và miền nam Việt Nam (nên hiểu là vào thời kỳ đó thì vùng này chưa phải là lãnh thổ Việt Nam). Trước đó các quốc gia này theo Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa.”[6]
Kể từ khi Kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika-sutra) ra đời, khoảng 100 sau kỷ nguyên Tây lịch thì hai chữ “Tiểu thừa” được dùng cho những người theo khuynh hướng bảo thủ. Thực ra, “Chữ Tiểu Thừa (Hynayana) cũng không thể dùng để chỉ định gia đình Phật Giáo Theravada được. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Hoa Sen (Saddharmapundarika-sutra) do Phật giáo Đại thừa đặt ra nhằm để tự phân biệt với các học phái xưa vào thời bấy giờ. Đại Thừa Phật Giáo chỉ bắt đầu xuất hiện rõ rệt vào thế kỷ thứ I sau Tây Lịch và Kinh Hoa Sen cũng đã được trước tác đúng vào đầu thế kỷ này, và lúc bấy giờ thì các học phái xưa vẫn còn rất thịnh hành trên toàn bán lục địa Ấn Độ và cả trong các vùng Trung Đông dọc theo con đường tơ lụa”.[7]
Riêng Phật giáo Nguyên thủy luôn khẳng định mình là Phật giáo chính thống, cho dù các tông phái khác có gán cho bất cứ tên gì, như Hoang Phong đã viết: “Nếu muốn thay chữ Pa-li Theravada bằng một chữ Việt thì có thể tạm gọi là “Phật giáo Xưa” hay “Phật giáo Cổ Xưa”, hoặc nếu muốn nâng học phái này thành một tông phái - với các lý do hoàn toàn chính đáng - thì có thể gọi là Tông phái “Phật giáo Xưa” hay “Cổ Xưa”.[8]
Theo tôi, từ “Phật giáo Cổ xưa” hay từ “Phật giáo Nguyên thủy” không có gì khác nhau về mặt ý nghĩa. Các nhà Phật học uyên thâm tại Việt Nam đã từ lâu chuyển dịch từ Theravada là Phật giáo Nguyên thủy. Chúng ta có thể mặc định khái niệm “Phật giáo Nguyên thủy” là thuật từ chủ đạo chỉ cho tông phái Theravada, một tông phái phản ánh các lời Phật dạy một cách lâu đời và khả tín nhất.
Những Lợi Thế và Khó Khăn
Giáo lý căn bản của Phật giáo Nguyên thủy được các nhà tư tưởng Nguyên thủy giữ trung thành với những lời dạy của đức Phật, được ghi trong năm bộ Nikaya, bằng ngôn ngữ Pali, gọi là Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy. Tam vô lậu học gồm Giới Định Tuệ là nguyên lý căn bản cho tiến trình giải thoát của tu sĩ Phật giáo nói chung hay tu sĩ của tông phái này nói riêng.
Dựa vào năm bộ Nikaya, các nhà Phật giáo Nguyên thủy triển khai toàn bộ hệ thống giáo lý mà các vị này tin rằng, đây là lời Phật dạy, hay nói khác hơn đây kinh văn chánh truyền. Trên nguyên tắc, giáo lý Nguyên thủy làm nòng cốt cho việc nhận thức Phật giáo, giúp cho người nghiên cứu không đi sai lệnh Phật pháp hoặc lạc lối trong rừng lý luận mông lung.
Mặc dù hình thức quấn y ca - sa của Phật giáo Nam tông có khác biệt với thói quen y hậu theo phong cách Bắc Tông, nhưng không có gì là trở ngại trong ánh mắt quần chúng Phật tử. Văn hóa pháp phục truyền thống càng làm cho mọi người có cái nhìn thánh thiện, gần gũi với hình tướng của “Bậc Đạo Sư”. Thực tế, tôn tượng các chùa cho dù là Nam tông hay Bắc Tông thì hình thức quấn y truyền thống vẫn là phổ biến, thể hiện tính đặc thù y pháp của Phật tổ Gotama khi còn tại thế tại Ấn Độ.
Những cách sống giản dị, oai nghi bên ngoài, ngày ăn một bữa, ôm bát trì bình… đã thu hút được sự hiếu kỳ và niềm tin nơi quần chúng. Vì vậy, hình thức trang nghiêm của vị Sa môn Nguyên thủy trở thành lợi thế lớn, có khả năng gây dựng niềm tin quần chúng, góp phần truyền bá Phật giáo cho cộng đồng Nam bộ.
Trong thời đại công nghệ thông tin, với sự phát triển lớn mạnh của khoa học kỹ thuật, để thích nghi với nhu cầu của xã hội thì Phật giáo cũng cần phải chuyển mình linh động, nhịp nhàng song hành với một xã hội hiện đại.
Trên nguyên tắc, người con Phật không ai dám thêm bớt lời Phật dạy. Trước khi nhập Vô Dư Niết Bàn, đức Phật đã hỏi ngài A Nan: “Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn sau khi ta diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết”. Sau đó, do An Nan không có đủ bình tĩnh để thưa hỏi đức Phật trong lúc ngài sắp nhập Niết-bàn nên trong hội nghị kết tập Kinh điển lần I, không có một vị trưởng lão nào dám quyết định nên bỏ điều nào và không có sự thống nhất về cái gọi là “điều nào được cho là những điều nhỏ nhặt.” Cuối cùng ngài Đại Ca Diếp, với tư cách là người chủ trì hội nghị, đã quyết định rằng: “Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đại đức nào đồng ý việc không quy định thêm điều chưa được quy định, việc không bỏ đi điều đã được quy định, việc thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.[9]
Trong thời buổi đầu, chánh pháp được gìn giữ một cách triệt để, và đó cũng là cách để giúp một hành giả, một Tỳ Kheo luôn luôn giữ được giới hạnh thanh tịnh, hoàn thành đạo đức của một bậc Thánh và chứng đắc A La Hán ngay trong cuộc đời này. “Này Subhadda, trong pháp và luật nào không có Bát Chánh Đạo thời ở đấy không có đệ nhất Sa Môn, dệ nhị Sa Môn, đệ tam Sa Môn và đệ tứ Sa Môn. Này Subhadd, trong pháp luật nào có Bát Chánh Đạo thời ở đó có đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ Sa Môn. Này Subhadda, nếu những vị Tỳ Kheo này sống chân chính thì thế gian không bao giờ vắng bóng các bậc A La Hán”.[10]
Song, trong hoàn cảnh thực tế, các nhu cầu của thời đại buộc chúng ta phải phương tiện để tồn tại và phát triển. Do đó, một vị Tỳ Kheo hôm nay không thể không có chút ít tiền làm lộ phí mà phải phương tiện giữ tiền để các hoạt động Phật sự được trôi chảy. Nếu chúng ta quá câu nệ, khi cần mang tiền thì phải có một cư sĩ Phật tử theo bên mình để chi trả tiền bạc thì hơi phiền toái quá, lại thêm tốn kém việc chi tiêu và mất thời gian của một người cư sĩ theo mình, vì giữ tiền xem như là chuyện phi pháp, là phạm luật. Hay thức ăn để qua đêm và rời chỗ đến một trụ xứ khác mà ăn xem như là phi pháp (mười điều phi pháp). Ngày nay, khi nhu cầu ẩm thực không quá lệ thuộc vào việc khất thực, sức khỏe cần được bảo đảm cho những người làm các Phật sự trong một hoàn cảnh rộng lớn; lại thêm đò giang cách trở bởi địa lý địa hình, việc tùy duyên để thọ thực có thể xem như là phương tiện cần thiết để hành đạo.
Bênh cạnh đó, một việc được xem như là tế nhị, đó là việc thọ dụng thức ăn tùy hỷ của người dâng cúng. Dĩ nhiên, trong luật tạng đức Phật không buộc các đệ tử phải ăn chay, mà chỉ ăn “tam tịnh nhục”.[11] Nhân có một vị cư sĩ tên là Jīvaka Komarabhacca đến viếng Ngài và bạch rằng, có một số người lên án rằng vì cúng dường thực phẩm cho đức Phật và hàng Tỳ-kheo mà các cư sĩ tại gia đã giết hại thú vật, điều mà theo suy nghĩ của ông là không tốt và có ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của đức Phật. Đức Phật bảo với vị cư sĩ này rằng, sự kết tội như vậy là không đúng với Ngài, bởi vì Ngài không hề khuyến khích người khác vì mình mà sát hại thú vật. Phật giảng dạy giáo lý từ bi và khuyên bảo hàng đệ tử phải trải rộng lòng từ đối với mọi loài chúng sanh. Tuy nhiên trước những thưa hỏi của Jīvaka, đức Phật không dạy rằng hàng Tỳ-kheo từ đó trở đi phải dùng thực phẩm chay, mà chỉ dạy rằng bắt đầu từ thời điểm ấy các Tỳ-kheo chỉ được phép dùng ba thứ thịt được gọi là “tam tịnh nhục”: những thứ thịt không phải từ con thú mà người thọ dụng nhìn thấy bị giết, nghe thấy tiếng kêu của nó khi bị giết và nghi rằng nó bị giết vì để dâng cúng thịt cho mình. Kết thúc bài kinh này, đức Phật dạy rằng, nếu vị cư sĩ nào, vì Ngài và các Tỳ-kheo mà giết hại thú vật, thì điều đó không những không đem đến cho họ chút phước đức nào mà ngược lại còn làm tổn hại phước đức của họ. Và Ngài còn đưa ra năm nguyên nhân làm tổn hại phước đức liên quan đến việc sát sanh.[12]
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy rằng, nhu cầu ẩm thực hôm nay của Tăng đoàn không phải bữa ăn tình cờ do Phật tử cúng dường, mà đa phần là được chuẩn bị sẵn. Do đó, nếu chế độ ăn của chúng ta được chuyển qua thực phẩm thực vật, hạn chế tối đa hoặc chấm dứt việc ăn theo chế độ “tam tịnh nhục” thì sự thâm nhập Phật giáo vào quần chúng tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn và do đó tạo cơ hội cho sự thành công trong hoằng dương Phật pháp. Phật giáo Tây Tạng sở dĩ khó độ được dân chúng Ấn Độ, mặc dù uy tín của Ngài Đạt Lai Lạt Ma ảnh hưởng đến thế giới nói chung hay người dân Ấn nói riêng là không nhỏ, chỉ vì Phật giáo Tây tạng vẫn còn ăn mặn, trái với thuần phong mĩ tục của người Ấn là ăn chay truyền thống.
Kết Luận
Việc có mặt của Phật giáo Nguyên thủy trên đất nước Việt Nam là một điều đáng quý, làm cho vườn hoa Phật giáo nước nhà thêm phong phú và đa dạng. Sự phát triển của Phật giáo Nguyên thủy càng làm cho tính nhập thế Phật giáo trong thời hiện đại mang tính phổ quát, hầu như đáp ứng mọi trình độ chúng sanh trong mọi hoàn cảnh. Phật giáo Nguyên thủy đã chứng minh cho sự phát triển mạnh mẻ và bền vững trong suốt chiều dài lịch sử tại các nước Đông Nam Á và tại Việt Nam.
Để đạo Phật được toàn cầu hóa, ngoài những lợi thế sẵn có của Phật giáo Nguyên thủy, như bảo tồn được cái tinh túy trong kinh điển Phật giáo, thì sự cởi mở trong một số luật tắc cho thích hợp với chư tăng trong thời hiện đại là điều cần nên lưu tâm. Chúng ta không phải để mọi thứ trở nên quá đà. Cần thể hiện tính phương tiện, khế cơ, khế lý, khế thời, khế xứ của Phật giáo trong thời kỳ hội nhập, để nhịp nhàng cùng với đà phát triển văn minh nhân loại. Không để một khoảng cách quá lớn, quá tách biệt giữa tu sĩ Phật giáo và quần chúng. Người xuất gia như viên kim cương, vẫn lấp lánh và có giá trị mãi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người siêu thế an nhiên bình dị giữa cõi đời ô trược mà vẫn mang hương vị chánh pháp lan tỏa khắp muôn nơi.
Chúng ta đừng quá câu nệ bởi một vài lý do “chủ quan” rồi biến giáo lý tuyệt vời của Phật bị khoảng cách nhất định giữa xã hội đang rất cần đến chánh pháp của đức Phật. Một khi báu vật Phật pháp bị chìm trong quên lãng, không phải lỗi của ai khác mà chính là sự thiếu thích ứng của người tu học Phật. Hãy làm cho Phật pháp trường lưu mãi thế gian và rực sáng hơn trong thế kỷ XXI này, thế kỷ của sự toàn cầu hóa, trong đó, sự toàn cầu hóa đạo Phật là một thực tại văn hóa đặc biệt, mang lại nhiều giá trị lợi lạc và an vui.
***
[1]. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang. [2]. Trích Giới thiệu sơ lược về Phật giáo Nam tông Khmer - Minh Nga (Ban Tôn Giáo chính phủ). [3]. Giới Nghiêm – Phật Giáo Nguyên Thủy Du Nhập Việt Nam. [4]. Bước đầu tìm hiểu Phật giáo Nam Tông cố đô Huế - Nguyễn Văn Sáu (Thích Thiện Minh). [5]. Trích Giới thiệu sơ lược về Phật giáo Nam tông Khmer - Minh Nga (Ban Tôn Giáo chính phủ). [6]. Các Bộ Phái Phật Giáo Tiểu Thừa, trang 98 – Pháp Hiền. [7]. Vài nét đại cương về Phật Giáo Theravada – Hoang Phong dịch. [8]. Vài nét đại cương về Phật Giáo Theravada – Hoang Phong dịch. [9]. Vài nét đại cương về Phật Giáo Theravada – Hoang Phong dịch. [10]. Chú Giải Luật Thiện Kiến – phẩm Bạt Xà Tử thứ hai: Kết Tập Pháp Tạng. [11]. Kinh Trường Bộ tập I, kinh Đại Bát Niết Bàn – tr 659. [12]. Kinh Trường Bộ tập I, kinh Đại Bát Niết Bàn – tr 659f.